Giá bán điện hiện hành chưa phản ánh đúng giá trị kinh tế, còn nặng yếu tố bao cấp, chưa phản ánh kịp thời những biến động của các yếu tố đầu vào.
heo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân hiện nay là 1.058 đồng/kWh (gần 5 cent/kWh). Từ năm 2000 - 2010, lượng điện sinh hoạt có trợ giá cho người sử dụng từ 100 kWh đầu trở xuống (thấp hơn giá thành 30%-40%) chiếm 69,01% tổng lượng điện sinh hoạt, chiếm 27,9% tổng lượng điện thương phẩm.
Thực hiện thị trường hóa giá điện
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, giá bán điện hiện hành chưa phản ánh đúng giá trị kinh tế, còn nặng yếu tố bao cấp, chưa phản ánh kịp thời những biến động của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, cơ cấu nguồn điện.
Việc này đã gây sức ép tài chính rất
lớn lên doanh nghiệp mua điện duy nhất và bán lại cho nền kinh tế là EVN.
Mặc dù EVN đã cố gắng rất lớn trong tổ chức, quản lý, điều hành, tiết kiệm, nhưng lợi nhuận hằng năm đạt thấp, chỉ từ 1-3%, thậm chí thấp hơn, không đủ tích luỹ để tái đầu tư mở rộng.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, từ năm 1997 đến nay (14 năm), không có một nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư các dự án điện (trừ một số dự án BOT gần đây ký biên bản ghi nhớ, nhờ chủ trương của Nhà nước sẽ thực hiện thị trường điện trong thời gian tới).
Với hiệu quả đầu tư thấp, EVN và các nhà đầu tư khác thu xếp vốn đầu tư rất khó khăn, phải đàm phán với nhiều nhà tài trợ, thiếu vốn đối ứng, đặt cọc, do vậy tiến độ xây dựng, triển khai các dự án điện chậm, dẫn đến thiếu điện.
Tổng công ty điện lực (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện “Quy định tạm thời nội dung tính toán phân tích kinh tế, tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện của các dự án nguồn điện”, ban hành theo Quyết định số 2014/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Theo đó, điều chỉnh tăng chi phí quản lý, vận hành và bảo dưỡng đối với nhà máy điện chạy than; tính đến trượt giá của vật tư, nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vay vốn… Sớm thực hiện lộ trình thị trường hoá giá năng lượng, đặc biệt là giá điện bảo đảm có mức lợi nhuận hợp lý để tạo sức thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện.
Nghịch lý giá điện - Mua cao hơn bán
Theo Công ty mua bán điện thuộc EVN, hiện các nhà máy điện do EVN quản lý chỉ đáp ứng được hơn 50% sản lượng điện của cả nước. Gần 50% lượng điện còn lại phải mua của các tập đoàn TKV, PVN (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) và các nhà máy độc lập, mua của nước bạn Trung Quốc với với giá từ 5,3 - 14 cent/kWh.
Do khô hạn nghiêm trọng nên mùa khô 2010, các hồ thủy điện bị thiếu nước trầm trọng. Các nhà máy nhiệt điện vận hành không ổn định nên EVN đã phải huy động các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu đắt tiền như dầu FO, DO cao gần 4 lần giá bán để cung ứng cho các phụ tải dẫn đến không thể bù được chi phí và lỗ rất lớn.
Các chủ đầu tư nhà máy điện ngoài EVN cũng than phiền và cho rằng với giá bán điện như hiện nay thì lợi nhuận của họ quá thấp, không có điều kiện tái đầu tư.
Lo thiếu điện hơn giá điện
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bao cấp giá điện chính là khuyến khích ngược, làm lợi cho những người tiêu xài điện hoang phí. Mặt khác giá điện thấp không khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy mới và tham gia vào hệ thống.
Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII (ngày 22/11/2010), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đưa ra nhận định nguyên nhân của tình trạng thiếu điện là do giá điện chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn điện. Giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu điện trong thời gian tới phải tập trung vào việc tháo gỡ vướng mắc các công trình điện đang thi công, nhất là 35 dự án điện chậm tiến độ. Thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước vào các dự án điện thông qua điều chỉnh giá điện, thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. |
Về cơ bản giá điện nên để thị trường điều tiết. Cục Điều tiết Điện lực có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc trọng tài trong các đàm phán thương mại giữa các tổ chức trong hệ thống.
Như vậy, theo một số chuyên gia, nhà quản lý, việc tăng giá bán điện là cần thiết, đồng thời phải tích cực cải tổ hệ thống điện, xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10, đơn vị sử dụng điện lớn nhất trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, giá các nguyên nhiên liệu trong và ngoài nước tăng thì việc tăng giá điện là không tránh khỏi.
“Để giảm giá thành sản phẩm do việc tăng giá điện, nhiều năm nay Công ty chúng tôi đã chủ động nâng cấp nhà xưởng, thay đổi dây chuyền sản xuất triệt để tiết kiệm điện. Chúng tôi chỉ lo thiếu điện”, bà Huyền nói.
Theo baodientu.chinhphu.vn