Năm 2011 cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015) và chiến lược phát triển 10 năm (2011-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh Bình Định. Cùng với các thành phần kinh tế xã hội khác, trong năm 2011 ngành điện phải nổ lực lớn để tiếp tục thể hiện vai trò “đi trước”đáp ứng nhu cầu cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao…
Nguồn cung điện vẫn căng thẳng
Theo thống kê tình hình cấp điện năm 2010, EVN đưa vào vận hành thêm trên hệ thống 1.890 MW công suất của các nhà máy điện mới. Tuy nhiên “cung” vẫn không đủ “cầu”. Công suất thiếu hụt so với kế hoạch Chính phủ giao là 250 MW và sẽ chuyển sang quí 1/2011. Trong khi dự kiến năm 2011 tổng phụ tải toàn quốc tiếp tục tăng với mức 16,34% so với 2010, vì vậy dự báo công tác cung ứng điện năm 2011 sẽ tiếp tục khó khăn nhất là vào mùa khô đang đến gần.
Nguồn điện từ thủy điện hiện chiếm trên 40% công suất phát điện của toàn hệ thống, nhưng mùa mưa vừa qua các hồ thủy điện cả nước vẫn chưa tích đủ nước, Khi miền Nam gần hết nửa mùa mưa, thì miền Bắc đã chuyển sang mùa khô . Một số lưu vực các sông như Đồng Nai, Sê San chưa có nước, lượng nước thiếu hụt trung bình từ 15-30 m, ngoài ra các hồ thủy điện miền Bắc phải làm nhiệm vụ xả nước 2 đợt phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2010-2011. Vì vậy, việc cân đối cung - cầu điện cho sản xuất và đời sống lại trở thành …điệp khúc hằng năm: thiếu nước dẫn đến thiếu điện!
Với phương án nhằm đảm bảo tối đa cung cấp 117,3 tỷ kWh điện năm 2011; trong đó 6 tháng mùa khô là 56,14 tỷ kWh. Kế hoạch cung cấp điện cho năm 2011 đã được triển khai ở các địa phương trên phạm vi cả nước.
Huy động tối đa các nguồn điện mới
Với phương châm bảo đảm cấp điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội, EVN đã triển khai phương án cấp điện mùa khô năm 2011 và kết hợp cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2010-2011. Để đáp ứng được nhu cầu điện như vậy, các nhà máy điện của EVN và huy động thêm các đơn vị bên ngoài phải đưa vào vận hành công suất 3.192 MW, một số công trình lớn như tổ máy số 2-3 của Thủy điện Sơn La, Đồng Nai 4 phấn đấu đưa vào vận hành quý I và quý II-2011.
Tại Bình Định, sản lượng điện thương phẩm năm 2010 đạt 981,8 triệu kWh, vượt kế hoạch tổng Công ty Điện lực Miền Trung giao gần 4 triệu kWh. Dự kiến năm 2011 với tốc độ tăng phụ tải như hiện nay, kế hoạch điện thương phẩm được xây dựng là 1,105 tỷ kWh tăng 12,5% so với năm 2010. Trong đó, lượng điện năng cho 6 tháng mùa khô cũng tăng hơn so với năm 2010 là 16%. Về nguồn điện quốc gia, Bình Định được nhận từ 9 Trạm biến áp 110kV và 220kV với công suất đặt gần 400MW . Ngoài ra, Bình Định còn có nguồn bổ sung từ Thuỷ điện Định Bình có thể cấp điện cho khu vực Tây Sơn, Vĩnh Thạnh với công suất 7MW và từ nguồn điện Dsiesel tại nhà máy điện Nhơn Thạnh có thể dự phòng nóng 10MW.
Tiết kiệm vẫn là quốc sách
Tuy nhiên trong tình hình thiếu điện chung của cả nước, Bình Định chắc chắn cũng chia sẻ khó khăn với những biện pháp tích cực nhất.
Với nhu cầu sử dụng điện năng tăng quá nhanh, nhất là trong lĩnh vực sinh hoạt và dịch vụ. Các giải pháp tiết kiệm điện được triển khai thường xuyên, bài bản mới đạt được hiệu quả lâu dài. Nhiệm vụ trước mắt của việc cung cấp điện vẫn là việc điều hòa phụ tải một cách hợp lý, đảm bảo việc cấp điện các phụ tải ưu tiên đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm. Với mục tiêu chung là góp phần tiết kiệm 1% sản lượng điện tương đương với 1 tỷ kWh trên phạm vi cả nước.
Theo trang tin của ngành Điện