Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện chỉ
còn gần 5% số hộ dân nông thôn sống đơn lẻ ở vùng sâu và xa trung tâm chưa có
điện.
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tác động điện khí hóa nông thôn Việt Nam với việc công bố kết quả Nghiên cứu độc lập “Lợi ích của điện khí hóa nông thôn” trong khuôn khổ Dự án Năng lượng Nông thôn 1 được tiến hành tại 7 tỉnh của Việt Nam trong các năm 2002, 2005 và 2008.
Phát biểu tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc
gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt
được trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn.
Với 100% huyện có điện lưới quốc gia và điện tại chỗ, gần
97,8% xã có điện và 95,4% hộ dân nông thôn có điện, Việt Nam đang tiến gần
“đích” 100% dân nông thôn có điện nhờ sự chung tay nỗ lực của Chính phủ Việt
Nam, doanh nghiệp và người dân; sự huy động động và kết hợp nhiều nguồn lực vì
mục tiêu phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo.
Cùng với những tác động của Chương trình giáo dục phổ cập,
điện khí hóa nông thôn đã giúp người dân nâng cao sức khỏe, thu nhập nhờ nâng
cao năng suất sản xuất kinh doanh hộ gia đình.
Tuy nhiên, để giúp 5% số hộ dân nông thôn còn lại được dùng điện, chính quyền các cấp sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, ưu tiên sử dụng nguồn lực trong điều kiện hạn hẹp về tài chính và công nghệ nhằm giúp nhiều đối tượng tiềm năng được hưởng lợi nhiều nhất.
Chính phủ phấn đấu 100% số hộ dân nông thôn có điện vào năm 2020. Vì vậy, việc có một đánh giá toàn diện về các tác động của điện khí hóa nông thôn cũng như tiềm năng phân bố các nguồn lực tại chỗ sẽ giúp Chính phủ, doanh nghiệp và người dân lựa chọn đầu tư hiệu quả các dự án điện lưới hay sử dụng các nguồn điện tại chỗ.
Thúy Hằng