[In trang]
Hà Nội còn nhiều tiềm năng tiết kiệm điện
Thứ tư, 01/12/2010 - 22:56
Theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Tưởng – PCT UBND Tp Hà Nội thì kết quả TKĐ của Hà Nội thực sự chưa tương xứng với tiềm năng. Qua khảo sát tại các DN trên địa bàn Tp, ông Nguyễn Đình Hiệp – Chánh VP TKNL, Bộ Công Thương cũng nêu ý kiến, với địa bàn rộng như Hà Nội, kết quả đạt được thực sự còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nhất là mảng chiếu sáng công cộng, Hà Nội gần như chưa đầu tư tới. Để kết quả TKĐ trong thời gian tới đạt cao hơn, Thành phố cần tập trung vào khối DN sản xuất trọng điểm; khối làng nghề; khối tòa nhà, công sở, các công trình dân dụng. Đây là những khối mà qua khảo sát, tiềm năng TKĐ có thể đạt tới 20-25%.

Bộ Công Thương đang triển khai kiểm tra thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện năm 2010 theo Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg ngày 2/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/11/2010, Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về nội dung này.

 

Từ công tác chỉ đạo, điều hành

 

Để tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) trên địa bàn, Thành phố đã thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình SDNLTK&HQ, trong đó có nội dung tiết kiệm điện (TKĐ), quản lý nhu cầu điện.

 

Ban Chủ nhiệm Chương trình có sự tham gia của các ngành, các cấp trên địa bàn, Sở Công Thương là thường trực Ban Chủ nhiệm; Tổng công ty Điện lực Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo TKĐ tại Tổng công ty và các đơn vị Điện lực quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội.


 Toa01.jpg


Hà Nội có lượng tiêu thụ điện chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ điện của toàn miền Bắc. Ước tính, năm 2010, Thành phố Hà Nội tiết kiệm được 79 triệu kWh điện – một con số không nhỏ


Thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện theo Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg ngày 2/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/5/2010, UBND Thành phố ban hành hành Chỉ thị 10/CT-UBND về sử dụng điện, SDNLTK&HQ và Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 5/4/2010 về thực hiện Chương trình SDNLTK&HQ của Thành phố Hà Nội 2010, với yêu cầu các cơ sở sản xuất, tòa nhà, chiếu sáng đô thị, cơ sở dịch vụ, hộ gia đình… thực hiện các biện pháp TKĐ. Vào tháng cao điểm thiếu điện, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã có văn bản số 1888/SCT-TKNL ngày 17/6/2010 đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập thực hiện việc TKĐ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

 

Đến kết quả

 

Theo báo cáo của UBND Thành phố, năm 2010, Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi đối tượng về công tác TKNL. Nhóm cơ quan công sở theo đánh giá sơ bộ đã tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu kWh.

 

Thực hiện kiểm toán năng lượng cho 25 cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm thuộc các nhóm ngành cơ khí, thực phẩm, vật liệu xây dựng; Triển khai việc TKĐ đến các làng nghề; Triển khai cắt giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến phố, quảng trường, công viên, khu vực vườn hoa công cộng.

 

Đã thay thế được 24.000 đèn chiếu sáng TKĐ, trong đó có 6.000 bộ đèn có 2 mức công suất, điều chỉnh điện áp đầu nguồn để vận hành TKĐ trong giờ thấp điểm; Vận động 100.000 hộ dân tham gia chương trình hộ gia đình TKĐ; Quảng bá và bán 100.000 bóng đèn compact đến tận tay người tiêu dùng; Bán gần 2.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời (có hỗ trợ kinh phí) đến các hộ gia đình.

 

Hà Nội có lượng tiêu thụ điện chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ điện của toàn miền Bắc. Ước tính, năm 2010, Thành phố Hà Nội tiết kiệm được 79 triệu kWh điện – một con số không nhỏ.

 

Chưa tương xứng tiềm năng

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì kết quả TKĐ của Hà Nội thực sự chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù ông Tưởng đánh giá, năm nay công tác TKĐ của Hà Nội cũng gặp khó vì Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, với tư cách là bộ mặt của đất nước, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại thì phần ánh sáng là không thể thiếu và cũng khó có thể tiết kiệm được.


 SheratonHanoiHotelDinningRoom.jpg


Qua khảo sát, khối doanh nghiệp sản xuất trọng điểm; khối làng nghề; khối tòa nhà, công sở, các công trình dân dụng có tiềm năng TKĐ có thể đạt tới 20% - 25%


Qua khảo sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Đình Hiệp – Chánh văn phòng TKNL, Bộ Công Thương cũng nêu ý kiến, với địa bàn rộng như Hà Nội, kết quả đạt được thực sự còn khiêm tốn so với tiềm năng. Nhất là mảng chiếu sáng công cộng, Hà Nội gần như chưa đầu tư tới. Ông Hiệp cũng cho rằng, để kết quả TKĐ của Hà Nội trong thời gian tới đạt cao hơn, Thành phố cần tập trung vào khối doanh nghiệp sản xuất trọng điểm; khối làng nghề; khối tòa nhà, công sở, các công trình dân dụng. Đây là những khối mà qua khảo sát, tiềm năng TKĐ có thể đạt tới 20-25%.

 

Tìm giải pháp

 

Về vấn đề cắt giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến phố, quảng trường, công viên, khu vực vườn hoa công cộng của Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đây là việc đầu tư để đảm bảo an ninh nên việc cắt giảm như vậy là lãng phí chứ không phải là tiết kiệm. Nên đầu tư từ khâu thiết kế, có những giải pháp công nghệ phù hợp (có thể tiết kiệm tới 60% lượng điện tiêu thụ), chứ không nên đầu tư rồi lại cắt giảm.

 

Ông Nguyễn Huy Tưởng đưa ra ý kiến, trong thời gian tới, Thành phố sẽ lồng ghép tiêu chí TKĐ vào thành một tiêu chí về người Hà Nội văn minh, thanh lịch nhưng phải tiết kiệm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới người dân để cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện các giải pháp TKNL, bảo vệ môi trường.

 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp tích cực thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả nhất định. Ngoài những ý kiến đã trao đổi, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có biện pháp động viên khối cơ quan, công sở, cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác TKNL. Đặc biệt là với những tòa nhà xây mới, có thể có những qui định bắt buộc áp dụng các giải pháp TKNL ngay từ khâu thiết kế.

 

Về khối các cơ sở sản xuất trọng điểm, bên cạnh việc tuyên truyền vận động thì việc giá điện có thể thay đổi trong thời gian tới cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có ý thức cao hơn trong vấn đề tiết kiệm.

 

Kết thúc kiểm tra tại Hà Nội, Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra tại một số tỉnh tập trung nhiều cơ sở sản xuất trọng điểm. Những bài học kinh nghiệm cũng như những kiến nghị từ các doanh nghiệp, các tỉnh sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp TKNL trong thời gian tới khi Luật SDNLTK&HQ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2011.

 

Hồ Nga