Các đi-ốt hữu cơ phát sáng được cho rằng có triển vọng trở thành loại đèn chủ yếu của thế hệ mới, những đèn chiếu sáng có diện tích lớn với hình dạng tuỳ ý và có thể tích hợp uyển chuyển vào thiết kế nội thất.
Tuy nhiên, sự đắt đỏ của OLED đang cản trở việc đưa ý tưởng nói trên vào cuộc sống: Một đèn chiếu dạng đĩa phẳng đường kính 8cm có giá 250 euro (~6,731 triệu đồng).
Các chuyên gia Viện công nghệ laser Fraunhofer (Fraunhofer Institute for Laser Technology) vừa tìm ra phương pháp chế tạo đèn chiếu sáng OLED rẻ hơn. OLED có cấu trúc nhiều lớp: Điện cực nằm ở đáy, vài lớp trung gian, lớp phát quang và điện cực thứ hai làm từ ô-xít indi-thiếc.
Trước đây, vì vật liệu này không có độ dẫn điện đủ lớn nên người ta gắn thêm những vệt dẫn bằng kim loại bổ sung, phân chia dòng điện đều khắp bề mặt để đèn chiếu sáng đồng nhất. Thông thường, người ta "triển khai" những dây dẫn này nhờ quá trình bốc hơi năng lượng cao và sắp đặt, trong đó các dây dẫn này chỉ phủ đến 10% diện tích chiếu sáng. Số lượng lớn hoá chất phủ ban đầu phải tẩy đi bằng một chu trình phức tạp.
Nay, quy trình mới tránh được sự cần thiết phải kết tủa khối lượng vật chất từ dạng hơi và tiếp tục tách bỏ một phần lớn nó. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách chỉ triển khai khối lượng kim loại cần thiết lên điện cực và tạo nên những đường dẫn rất mảnh - rộng tổng cộng chưa đầy 40 micro mét. Tính hiện thực của phương pháp đã được kiểm chứng trong điều kiện thí nghiệm. Sắp tới, người ta sẽ triển khai quy trình theo phương án sản xuất.
IDG News