Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:12 GMT+7

Dùng đèn "gầy" thay đèn "béo"

23/03/2009

Hóa đơn tiền điện vẫn cao ngất dù cả nhà đã cố gắng sử dụng thật ít thiết bị, ít dùng cả bàn là lẫn cái bếp từ tiện dụng, tivi hay dàn âm thanh và máy nước nóng. Hóa ra tất cả là vì... cái đèn “béo” kéo tiền điện lên cao. Trong khi đó, đã 3 năm nay, Việt Nam có thể sản xuất đèn tiết kiệm năng lượng mà cường độ sáng không thua kém, độ bền lại cao hơn, mọi người hay gọi là đèn “gầy”.

Thay thế đèn tròn bằng đèn compact hay còn gọi là CFL là một cách vì khi bạn bật đèn thì phần lớn năng lượng điện được tiêu thụ có từ việc đốt cháy carbon, thải ra CO2 và các loại khí khác gây ô nhiễm môi trường. Năng lượng tiêu thụ càng nhiều thì ô nhiễm càng tăng, ngoài ra giá điện sẽ tăng do sử dụng nhiều carbon.

Đó chính là lý do vì sao nên thay thế các bóng đèn tròn bằng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Một bóng đèn tròn bật sáng trong vòng 1 năm 24/24 giờ, nếu sử dụng đèn tròn có tuổi thọ là 750 giờ (1 tháng) thì một năm phải sử dụng 12 bóng. Còn 1 đèn CFL có tuổi thọ là 10.000 giờ, tương đương với 13 bóng đèn tròn. Đèn CFL cũng chỉ sử dụng 1/4 năng lượng so với đèn tròn. Vậy thì tại sao bạn vẫn chưa thay thế đèn tròn bằng đèn CFL. Sử dụng đèn CFL là một cách thông minh để chiếu sáng ngôi nhà của bạn.

Theo thống kê, Việt Nam đang sử dụng 60 triệu bóng đèn nung sáng và 80 triệu bóng đèn huỳnh quang để chiếu sáng (gồm một loại bóng đèn huỳnh quang “béo” và ba loại bóng đèn huỳnh quang “gầy”. Bóng đèn “béo” T12 (đường kính 38mm) ra đời năm 1932, bóng đèn “gầy” T8 (26mm) ra đời năm 1970, bóng đèn “gầy” T2 (7mm) năm 1993 và mới nhất là T5 (16mm) ra đời năm 1996).

Kết quả khảo sát mới đây của Dự án quản lý nhu cầu giai đoạn 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện cho thấy, nếu thay thế 1 triệu bộ đèn “gầy” sẽ giảm được công suất 10MW, giảm được sự mất cân đối của hệ thống điện quốc gia hiện nay đang còn rất gay gắt.

Nhận định này đã được chứng minh cụ thể tại Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. Mỗi lớp học sử dụng 18 đèn “béo” 40W, tổng công suất tới 1000W, độ rọi sáng trên bảng chỉ đạt 230 lux, trên mặt bàn là 260 lux. Khi thay thế bằng 12 bộ đèn “gầy”, tổng công suất chỉ còn 480W nhưng độ rọi trên bảng đạt 500 lux, trên bàn đạt 480 lux.

Tại Công ty Dệt may Hà Nội, khi thay thế toàn bộ 14.000 đèn “béo” bằng đèn “gầy” T8 36W và chấn lưu tổn hao thấp, kết quả kiểm toán của Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương và Ngân hàng Techcombank thẩm định, mỗi năm tiết kiệm được 760.000 kWh điện, giảm 800 triệu đồng tiền điện, độ sáng trên bàn máy tăng 20%.

(Nguồn: Giadinh.net)