Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:04 GMT+7

Thay đổi ý thức người dân từ những dự án xanh

21/04/2014

Mặc dù là hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2014, nhưng các dự án khu phố xanh, trường học sinh thái có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù là hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2014, nhưng các dự án khu phố xanh, trường học sinh thái có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Đưa tấm lợp sinh thái đến các trường học

Dự án “Trường học sinh thái” đã được khởi công tại Trường tiểu học Mỹ Huề, phân hiệu 1, huyện Hoóc Môn, TP.HCM. Sau hơn một tuần thi công, ngày 20/ 3/2014, dự án đã chính thức được khánh thành.

Công trình nằm trong khuôn khổ dự án “Mua sắm sản phẩm xanh, xây trường học sinh thái”. Điểm nhấn của dự án nằm ở việc thay mái tôn thông thường bằng một loại vật liệu mới - tấm lợp sinh thái.

ead3c4de9_lapdattamlopsinhthai.jpg

Các tình nguyện viên thực hiện lắp đặt tấm lợp sinh thái tại Trường tiểu học Mỹ Huề, phân hiệu 1, huyện Hoóc Môn, TP.HCM 

Theo Ban điều phối chiến dịch Giờ trái đất Xanh 2014 cho biết, tấm lợp sinh thái có thành phần từ 100% nhôm và nhựa, tái chế từ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng, có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, không gỉ sét, đốt không cháy, xe chạy qua không bể vỡ, bảo hành 10 năm không thấm nước. Mỗi tấm lợp sinh thái được làm từ hơn 8.100 vỏ hộp sữa đã qua sử dụng.

Riêng tại Trường tiểu học Mỹ Huề, phân hiệu 1, dự án đã sử dụng 187 tấm lợp sinh thái - tương đương hơn 1,5 triệu vỏ hộp sữa đã được tái chế, góp phần tích cực giảm rác thải và bảo vệ môi trường.

Ban điều phối chiến dịch Giờ trái đất Xanh 2014 cho biết, dự án mong muốn góp phần thay đổi ý thức người dân trong việc sử dụng các vật dụng, đồ dùng được làm từ những nguyên liệu tái chế để có những tác động tích cực đến cuộc sống của mình và thân thiện với môi trường hơn. Lợi ích cụ thể của tấm lợp này chính là giảm lượng nhiệt hấp thụ bên dưới, dẫn đến giảm tải và tiết kiệm được rất nhiều điện năng phải tiêu thụ để làm mát không khí.

Triển khai mô hình dự án “Khu phố xanh”

Cũng trong khuôn khổ chiến dịch Giờ trái đất Xanh 2014, dự án “Khu phố xanh” cũng đã tổ chức lễ ra quân nhằm kêu gọi cộng đồng dân cư, các hộ gia đình thực hiện “xanh hóa” đời sống của địa phương mình, qua đó hướng đến thể hiện sự góp phần vào nỗ lực tích cực trong cuộc cách mạng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Mô hình dự án “Khu phố xanh” khuyến khích thực hiện và hướng dẫn - kêu gọi phân loại chất thải rắn tại nguồn (hay còn gọi phân loại rác tại hộ gia đình). Thành công của dự án tính cho đến thời điểm này đạt từ 90% các hộ gia đình đồng ý tham gia và phân loại đúng cách trong giai đoạn thí điểm.

7a8047c82_tuyentruyenchonguoidantaikhuphoxanh.jpg

Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn

Ý tưởng của chương trình bắt nguồn từ sáng kiến của ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM. Ngay từ tháng 12/2013, Công ty đã cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp thực hiện thử nghiệm chương trình nhằm bước đầu tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức trong giai đoạn thí điểm.

Đến nay, với những kết quả khả quan đầu tiên, dự án tiếp tục được đưa vào khuôn khổ chiến dịch Giờ trái đất Xanh 2014 với mục tiêu nhân rộng ra toàn địa bàn quận Tân Phú - HCM và lâu dài là toàn TP.HCM, trên khắp các tuyến đường do Công ty đang phụ trách quét dọn và thu gom rác.

Để triển khai dự án “Khu phố xanh”, Ban điều phối chiến dịch Giờ trái đất Xanh 2014 đã vận động và hướng dẫn người dân tại các tuyến đường Độc Lập, Lê Khôi, Lê Lư và Tân Sơn Nhì thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình.

Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, dự án “Khu phố xanh” đã được tổ chức mang tính thiết thực hơn. Lượng rác vô cơ của người dân sau khi phân loại sẽ được định giá theo thị trường. Kế đến, tổng số chi phí mà người dân tích lũy được sau 1 tháng chuyển giao rác thải vô cơ cho nhân viên vệ sinh, sẽ được đổi lại là sản phẩm tiêu dùng với giá tiền tương ứng, là những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như dầu ăn, bột nêm, nước mắm, bột giặt, nước rửa chén…

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nếu thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn sẽ tách riêng rác hữu cơ và vô cơ, để các đơn vị có nhiều giải pháp xử lý chất thải hơn như sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt, tái sinh, tái chế, sản xuất những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Điều này sẽ làm giảm chi phí trong công tác thu gom - vận chuyển - xử lý rác, giảm diện tích chôn lấp, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi ngân sách của thành phố.

Theo Baoxaydung.com.vn