Thứ năm, 25/04/2024 | 05:41 GMT+7

Biến đổi khí hậu với vấn đề an ninh năng lượng tại Việt Nam

26/03/2013

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của Biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của Biến đổi khí hậu. Cùng với nhiều ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng thì vấn đề an ninh năng lượng trong giai đoạn tới được coi là vấn đề cấp thiết với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

7eb09f524_biendoi.jpg

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại trụ sở Bộ Công Thương

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan diễn ra thường xuyên và không theo quy luật, mưa trái mùa, lượng mưa thay đổi, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng kéo dài… đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống dân sinh. Những hiện tượng này đã, đang và sẽ tác động mạnh đến cung cầu năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành than, sản xuất điện, dầu khí và đe dọa mất an ninh năng lượng của đất nước.

Theo Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương: “Biến đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu dẫn tới sự mất ổn định nguồn cung cũng như sự phụ thuộc về mặt địa chính trị mà còn tác động lớn đến an toàn và ổn định trong cung ứng năng lượng, làm gián đoạn, ngừng trệ, thậm chí tê liệt trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam mới đang ở giai đoạn hình thành, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng chưa rõ rệt, mức độ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu ngày càng lớn (Việt Nam dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nhập khẩu than cho điện khoảng 130-140 triệu tấn). Để có cơ sở dữ liệu nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đã giao cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp đảm bảo An ninh Năng lượng trong bối cảnh Biến đổi khí hậu”. Đây sẽ là cơ sở lý luận cũng như đưa ra được phương pháp đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đến An ninh Năng lượng của Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Không những tác động đến ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, thủy sản… Biến đổi khí hậu còn tác động mạnh mẽ đến ngành năng lượng. Theo đó, hoạt động của các dàn khoan dầu được xây dựng trên biển, hệ thống vận chuyển dầu và khí cũng như các nhà máy điện chạy khí được xây dựng ven biển sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, tiêu thụ điện cho sinh hoạt, công nghiệp, thương mại tăng trong khi các nhà máy sản xuất điện phải gia tăng chi phí đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, mạng lưới phân phối điện do ảnh hưởng của dòng chảy, lượng mưa, nguồn cung than, khí làm giảm sản lượng, hiệu suất.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Viện Năng lượng cho rằng: “Biến đổi khí hậu đã làm mực mước biển dâng cao khiến các công trình cảng như cầu tàu, nhà kho, bến bãi, đường sá ven biển thiết kế theo tiêu chuẩn cũ sẽ bị ngập nước. Nước biển dâng cũng làm cho một số cụm công nghiệp ở vùng thấp bị ngập, giao thông bị chia cắt trong khi mưa và dòng chảy thất thường gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các nhà máy thủy điện…Do vậy, vấn đề là chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng và hạn chế thấp nhất năng lượng phải nhập khẩu như: than, dầu”.

Hiện Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, sinh học, biogas… Ngoài ra, cùng với việc phát triển các nguồn cung năng lượng sạch thì chúng ta cũng cần có chính sách khuyến khích nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu có hiệu suất thấp. Đối với các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước phải có chính sách khai thác, chế biến sử dụng hợp lý và hiệu quả, nhất là các nguồn tài nguyên kém chất lượng, các loại than có nhiệt lượng kém…

Cũng theo ông Cường, để làm tốt công tác đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để từ đó đưa ra các giải pháp đảm bảo An ninh năng lượng thì một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là công tác dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng của các ngành kinh tế phải chính xác thì chúng ta mới có các giải pháp hợp lý và chính sách phát triển nguồn cung sát với nhu cầu thực tế; Tránh đầu tư lãng phí dàn trải hoặc vì thiếu nguồn cung năng lượng mà ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

Theo Ven.vn