Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:04 GMT+7

Tiết kiệm tiền tỉ mỗi năm nhờ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trạm biến áp

11/11/2020

Cuối năm 2019, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã đóng điện nghiệm thu, hòa lưới thành công hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TBA 220kV Tháp Chàm.

Cuối năm 2019, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã đóng điện nghiệm thu, hòa lưới thành công hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TBA 220kV Tháp Chàm. Đây là trạm biến áp cuối cùng của Công ty được lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, hoàn thành Dự án Trang bị hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các TBA do PTC3 quản lý. PV có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3 xoay quanh chủ đề này.

Ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc PTC3.

PV: Thưa ông, xuất phát từ thực tiễn nào Công ty Truyền tải điện 3 lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trạm biến áp do Công ty quản lý?

Ông Đinh Văn Cường: Dự án “Trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái tại các trạm biến áp do PTC3 quản lý” được thực hiện dựa trên chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ; chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về việc lắp đặt hệ thống Pin mặt trời trên các mái nhà điều hành các Trạm biến áp nhằm tiết kiệm điện năng tự dùng từ nguồn điện lưới.

Mặt khác, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các TBA góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời của EVN và EVNNPT.

PV: Xin ông cho biết quy mô điện mặt trời tại mái nhà do Công ty quản lý (tổng số trạm biến áp, diện tích, công suất…)?

Ông Đinh Văn Cường: Dự án “Trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái tại các trạm biến áp do PTC3 quản lý” có quy mô diện tích lắp đặt 2.880 m2 trên mái nhà điều khiển của 16 Trạm biến áp, gồm 05 Trạm biến áp 500kV (gồm TBA 500kV Pleiku, Pleiku 2, Đăk Nông, Vĩnh Tân, Di Linh) và 11 Trạm biến áp 220 kV (Quy Nhơn, Phước An, Phù Mỹ, Tuy Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Phan Thiết, Hàm Tân, Krông Buk, Đăk Nông, Đức Trọng).

Dự án được thiết kế có tổng công là 400 kWp, trong đó công suất thiết kế mỗi Trạm biến áp 500kV là 40 kWp, Trạm biến áp 220kV là 20 kWp.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TBA 500kV Vĩnh Tân.

PV: Trong quá trình triển khai thi công, lắp đặt các dự án này, PTC3 có gặp những khó khăn, thuận lợi như thế nào để đến nay 100% số TBA đã hoàn thành lắp đặt?

Ông Đinh Văn Cường: Khó khăn trong việc triển khai là16 trạm biến áp nằm rải rác trên địa bàn thuộc 09 tỉnh do đó việc thi công, lắp đặt mất nhiều thời gian.

Việc thi công trong điều kiện khó khăn trên các mái nhà điều khiển có độ dốc, trơn trượt; đồng thời kết cấu mái nhà theo đặc thù của từng TBA và mặt bằng sàn mái của các trạm cũng khác nhau nên phải có các giải pháp thi công riêng cho từng trạm, mặt khác việc thi công trên cao nên chịu tác động nhiều bởi điều kiện thời tiết.

Việc thực hiện thi công được giao cho đơn vị trong EVNNPT tự thực hiện thi công, do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn thi công đối với hệ thống điện mặt trời áp mái nên cũng gặp một số khó khăn nhất định trong giai đoạn ban đầu khi triển khai thi công thực tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng được rất nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm chỉ đạo điều hành của Ban giám đốc Công ty. Sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan (đơn vị quản lý dự án, đơn vị thi công, nhà thầu cấp hàng, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị quản lý vận hành) trong quá trình triển khai thi công.

Với phương châm các đơn vị phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại hiện trường, nhờ đó sau 37 ngày triển khai thi công, dự án đã thi công hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ đề ra.

PV: Xin ông cho biết tính hiệu quả của các dự án đã mang lại, đã giúp giảm tỉ lệ điện tự dùng ra sao. Quy ra tiền tiết kiệm được như thế nào?

Ông Đinh Văn Cường: Dự án “Trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái tại các trạm biến áp do PTC3 quản lý” đưa vào vận hành ước tính mỗi năm cung cấp sản lượng điện 622 MWh cho hệ thống điện tự dùng tại các trạm biến áp, tương đương khoảng 14% sản lượng điện tự dùng, giá trị tiền tiết kiệm ước tính khoảng 1,2 tỉ đồng/năm (Tính theo đơn giá mua điện mặt trời trên mái nhà tại thời điểm hiện tại 1.943 đồng/kWh).

PV: Trong thời gian tới, PTC3 sẽ tiếp nhận thêm những TBA mới, Công ty có tiếp tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà này nữa không?

Ông Đinh Văn Cường: Với tính hiệu quả của dự án đã được triển khai, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã có chỉ đạo đối với các trạm biến áp đầu tư mới, hệ thống điện mặt trời áp mái được thiết kế đầu tư đồng bộ với các hạng mục khác của trạm biến áp và được đưa vào vận hành cùng lúc khi đưa các trạm biến áp vào vận hành.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Điện tử