Thứ ba, 16/04/2024 | 14:22 GMT+7

Bốn ưu tiên của Nhật Bản cho mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020

12/11/2010

Nhật Bản ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển bốn lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và nâng cao năng lực quản trị. Những hỗ trợ này dựa theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Đó là khẳng định của ông Kenzo Oshima, Phó Chủ tịch thường trực của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong cuộc họp với báo giới chiều ngày 10-11, sau bốn ngày thăm và làm việc tại Việt Nam

anh.jpgNhật Bản ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển bốn lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và nâng cao năng lực quản trị. Những hỗ trợ này dựa theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Đó là khẳng định của ông Kenzo Oshima, Phó Chủ tịch thường trực của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong cuộc họp với báo giới chiều ngày 10-11, sau bốn ngày thăm và làm việc tại Việt Nam.

 

Ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế để tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng kỹ thuật (trong xây dựng cầu, đường, cảng biển...), hạ tầng viễn thông, hạ tầng năng lượng, phát triển đô thị... Hỗ trợ phát triển xã hội, nâng cao đời sống người dân, thu ngắn khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách đô thị và nông thôn, hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn.

 

Trong lĩnh vực môi trường, JICA sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường đô thị, trồng rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, theo cách gọi là hạ tầng mềm, khác với hạ tầng kinh tế-hạ tầng cứng, nhằm phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

 

Về vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, Phó Chủ tịch JICA Kenzo Oshima cho biết, Lượng vốn vay của Nhật bản cho Việt Nam có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ. Vốn vay này sẽ còn tăng dần theo từng năm, đặc biệt vốn vay phát triển cơ sở hạ tầng vẫn tăng đều.

 

Ông cho biết: 'Trong năm tài khóa 2010, riêng nửa đầu năm, chúng tôi cam kết hơn 100 tỷ Yên, còn nửa sau, sẽ xem xét các dự án được cam kết. Hiện tôi chưa nói được số vốn cụ thể'. Ông khẳng định, tổng vốn vay trong năm tài khóa 2010 sẽ cao hơn nhiều so với con số 100 tỷ Yên.

 

Tại Hội nghị Quốc tế lúa gạo lần thứ 3, Phó chủ tịch chia sẻ thông tin về tình hình hợp tác quốc tế trong sản xuất lúa gạo mà JICA đang thực hiện, đồng thời thông báo sẽ bắt đầu Chương trình hợp tác về sản xuất lúa gạo giữa Việt Nam với JICA cho Mozambic. Đây là lần thứ hai ông Kenzo Oshima đến Việt Nam sau 16 năm.

 

Phó Chủ tịch JICA chúc mừng những thành công mà Việt Nam đạt được trong năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2010. Việt Nam phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình. Phó Chủ tịch JICA cho biết: 'Tôi tin tưởng một cách chắc chắn và lạc quan rằng, tự tin với thành tích này, Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và mối quan hệ Việt - Nhật sẽ ngày càng được nâng cao.”


 toyota.jpg


Doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam


Tại cuộc họp, ông Kenzo Oshima cũng thông báo kết quả các cuộc làm việc về các hoạt động hợp tác Việt Nam-Nhật Bản với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải.


Ông cho biết, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, cả hai bên đã thống nhất về tầm quan trọng về hợp tác Việt Nhật trong Phong trào mỗi làng một sản phẩm để phát triển địa phương.

 

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, hai bên đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thực hiện một cách hiệu quả mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (mô hình PPP) để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cùng xác nhận sẽ phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác đã được đề cập trong Tuyên bố chung Việt - Nhật.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, hai bên đã thống nhất sẽ xúc tiến thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, cụ thể là sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện thành công dự án xây dựng cảng Lạch Huyện. Bên cạnh đó, tiếp theo dự án cảng Lạch Huyện, trong tương lai hai bên sẽ tích cực bàn bạc thảo luận về việc hỗ trợ ODA của Nhật cho sân bay quốc tế Long Thành, TP Hồ Chí Minh cũng như về việc áp dụng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư cho công trình này.

 

Phó Chủ tịch thường trực Oshima bày tỏ quyết tâm của JICA sẽ tiến hành hỗ trợ những dự án quan trọng tại TP HCM đã được đề cập tới trong Tuyên bố chung Việt – Nhật do hai Thủ tướng ký kết; nhằm hỗ trợ TP HCM duy trì sự phát triển mạnh mẽ mà thành phố đã đạt được trong những năm gần đây.

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Oshima nói: “Trong hội nghị ASEAN+3 diễn ra tuần trước tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Kan đã ký Tuyên bố chung Việt - Nhật. Tuyên bố chung này khẳng định việc xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Sứ mệnh của chúng tôi là thực hiện một cách hiệu quả, chắc chắn những hoạt động mà JICA cần thực hiện, trong số những nội dung đã được ghi rõ trong bản Tuyên bố chung này. Trong chuyến công này, tôi dự định sẽ xem xét định hướng hợp tác của JICA, trên tinh thần đã được trao đổi ở cấp thượng đỉnh giữa hai nước. Tôi đã nắm rất rõ tình hình thực tế và rất lạc quan hy vọng vào quan hệ tốt đẹp của hai nước”.

 

Ngoài ra, ông cũng thăm nhiều dự án ODA của Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực JICA Kenzo Oshima  sẽ thăm và làm việc tại Lào và Campuchia.

 

Đề cập đến Chương trình hỗ trợ về sản xuất lúa gạo cho châu Phi, ông Oshima nhấn mạnh: “Liên kết chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA liên tục hỗ trợ cho châu Phi nhằm tăng năng suất sản xuất lúa gạo thông qua việc thực hiện “Chương trình Phát triển Lúa gạo châu Phi”.

 

Theo Chương trình này, tổng sản lượng lúa gạo hằng năm của toàn bộ khu vực tiểu Sahara của châu Phi sẽ phấn đấu tăng từ 14 triệu tấn lên 28 triệu tấn. Hiện có 23 nước của khu vực tiểu Sahara của châu Phi tham gia vào Chương trình này. Mozambic là một trong những nước này. Khu vực thực hiện dự án này là tỉnh Zambezia ở Mozambic.

 

Châu Á có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo cũng như thực hiện cuộc “Cách mạng xanh”. Châu Phi cần phải thực hiện cuộc Cách mạng xanh này và JICA sẽ hỗ trợ việc thực hiện chuyển giao những kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo từ Châu Á sang châu Phi. Việt Nam đã có được mối quan hệ hợp tác mang tính lịch sử lâu đời với Mozambic.

 

Sang năm Việt Nam, Mozambic và Nhật Bản dự định sẽ bắt đầu dự án hợp tác ba bên trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Nếu mô hình hợp tác với Mozambic thành công chúng tôi rất mong muốn được triển khai đến các nước Châu Phi như Nigieria...

 

Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trường Trường ĐH An Giang tham gia dự án hợp tác này.

 

Trà My (Nhân Dân điện tử)