Thứ năm, 18/04/2024 | 09:02 GMT+7

Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước

20/09/2016

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ những lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cần sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký vào hoạt động để góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng điện gió, điện mặt trời trên toàn cầu hiện nay rất cao ở mức 28%/năm, cho thấy nhu cầu và khả năng phát triển điện gió trên thế giới rất lớn và là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia. Theo Hội đồng năng lượng gió thế giới, đến năm 2020, sản lượng gió thế giới sẽ chiếm 12% trong tổng sản lượng điện. Trong khi đó, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m của Việt Nam là lớn nhất so với các nước khác trong khu vực.

Trong chuyến làm việc với tỉnh Ninh Thuận ngày 18.9, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng đã nêu rõ những lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, ưu thế điểm của năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh nên đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, hiện đã cung cấp trên 20% tiêu thụ điện năng toàn cầu.

Theo ông Bình, toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Đồng thời, quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. 

Ninh Thuận cũng có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Theo số liệu của WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, cũng là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình làm việc với tỉnh Ninh Thuận

Theo đó, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, cần phải xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Trước mắt, cần sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký vào hoạt động để góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Đức Thanh Ủy, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã tập trung cụ thể hóa các nội dung, hoàn thành 94 quy hoạch các loại.

Trong đó, tập trung quy hoạch dải ven biển, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông lâm - thủy sản; phát triển du lịch; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách, xây dựng đề án, dự án; thu hút, phân bổ nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt.

Báo cáo tổng hợp về phát triển năng lượng tái tạo và thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng cho hay, nguồn năng lượng tái tạo cho phép kêu gọi đầu tư xã hội hóa, giảm áp lực về nợ công so với các nguồn năng lượng khác nếu phải đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hoặc vay nước ngoài.

Ngoài ra, phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo Việt Nam. Nước ta đang phấn đấu đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lên khoảng 30% vào năm 2020, 60% vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năng lượng tái tạo cũng là những nguồn năng lượng sạch, phát triển điện gió, điện mặt trời giúp Việt Nam thực hiện cam kết cắt giảm khí thải theo thỏa thuận tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP 21 tại Paris, Pháp vào năm 2015.

Theo motthegioi.vn