Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:25 GMT+7

Đầu tư tiết kiệm năng lượng: không thiếu nguồn vốn

29/11/2010

Bà Thái Thị Phong, Phó phòng Tổng hợp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: mức vốn cho vay tối đa bằng 70% tổng vốn của mỗi dự án, lãi suất cho vay 9,6%/năm và được giữ cố định trong suốt thời gian triển khai của dự án. Thời hạn cho vay được xác định tùy theo thời gian thu hồi vốn và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa là 12 năm. Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, VDB sẽ sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng giúp doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hồ sơ chưa hoàn chỉnh.

Theo ước tính sơ bộ trong năm 2010 cả nước đã có hàng trăm dự án tiết kiệm năng lượng ở nhiều quy mô khác nhau đăng ký vay vốn với tổng số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng đã có nhiều thuận lợi hơn.

 

Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn

 

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cho hay chỉ riêng khu vực TPHCM trong 3 tháng gần đây, Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố đã tư vấn cho hàng trăm dự án tiết kiệm năng lượng với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng; qui mô vốn khoảng 5 tỉ đồng cho mỗi dự án qui mô nhỏ và khoảng 800 tỉ đồng mỗi dự án qui mô lớn.

 

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp muốn vay vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng chính là doanh nghiệp thiếu kênh thông tin, không nắm bắt được các chính sách cho vay từ ngân hàng đối với dự án tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng rõ ràng.


 wdxlr1241126463.jpg


Các ngân hàng cũng chưa nắm rõ thông tin về doanh nghiệp có nhu cầu do thiếu đội ngũ tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. “Ngày càng nhiều các đơn vị tài chính quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, nhưng rào cản chủ yếu là cách tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp chưa rõ ràng, ngân hàng còn lúng túng trong thẩm định kỹ thuật các dự án tiết kiệm năng lượng”, ông Tước phát biểu tại Hội thảo giới thiệu giải pháp tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng được trung tâm tiết kiệm năng lượng tổ chức sáng nay 28-11.

 

Ngân hàng có chương trình cho vay

 

Để góp phần tháo gỡ các rào cản này, tại hội thảo sáng nay, đại diện một số ngân hàng lớn đã thông tin tới doanh nghiệp chính sách cho vay đối với các dự án tiết kiệm năng lượng.

 

Bà Thái Thị Phong, Phó phòng Tổng hợp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, VDB ưu đãi cho vay vốn thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, mở rộng nâng cấp thiết bị trong sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, các dự án đầu tư khai thác chế biến sâu quặng, khoáng sản …

 

Về dự án tiết kiệm năng lượng tiêu biểu, bà Phong cho biết VBD chuẩn bị ký hợp đồng cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Công Lý vay 4.500 tỉ đồng để triển khai dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu và đang thẩm định cho Công ty cổ phần sinh học năng lượng Miền Nam vay 35 tỉ đồng cho một dự án sản xuất xăng sinh học.

 

Theo bà Phong, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% tổng vốn của mỗi dự án, lãi suất cho vay 9,6%/năm và được giữ cố định trong suốt thời gian triển khai của dự án. Thời hạn cho vay được xác định tùy theo thời gian thu hồi vốn và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa là 12 năm. “Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, VDB sẽ sẵn sàng hỗ trợ, chúng tôi cũng sẵn sàng giúp doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hồ sơ chưa hoàn chỉnh”, bà Phong nói.

 

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Kim Liên, Phó phòng Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Vietinbank, từ năm 2007 đến nay, Vietinbank phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay phát triển các dự án tiết kiệm hiệu quả năng lượng, tổng vốn vay của chương trình khoảng 14,1 triệu đô la Mỹ, đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung cho các ngành nghề sản xuất gạch, gốm sứ, giấy, dệt may, chế biến thực phẩm.


Ngoài ra, Vietinbank còn có chương trình bảo lãnh vốn vay cho các dự án tiết kiệm năng lượng hiệu quả với tổng nguồn vốn bảo lãnh khoảng 1,7 triệu đô la Mỹ.

 

Đến nay, bà Liên cho hay đã có 45 dự án trong các lĩnh vực sản xuất gốm sứ, lò gạch tuynen, giấy và bột giấy được thẩm định cho vay, bảo lãnh vay theo các chương trình này với tổng số tiền khoảng 45 tỉ đồng.

 

Nhà nước cũng có quỹ hỗ trợ

 

Một nguồn khác doanh nghiệp có thể tiếp cận để triển khai dự án tiết kiệm năng lượng là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

 

Theo bà Phạm Thị Hạnh Nhân, điều phối viên của Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đang có số vốn khoảng 500 tỉ đồng, sẵn sàng cho doanh nghiệp vay để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành nghề khác nhau với lãi suất cho vay rất ưu đãi, chỉ bằng một nửa so với lãi suất tại các ngân hàng.

 

Theo ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Kinh doanh thuộc Ngân hàng Techcombank, ngân hàng này cũng đang có chương trình hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng với thời gian cho vay tối đa là 7 năm, tổng vốn cho vay bằng 70% tổng vốn đầu tư một dự án. Techcombank sẽ cung cấp giải pháp tài chính trọn gói cho dự án tiết kiệm năng lượng, hồ sơ đơn giản, nhanh chóng. Mức lãi suất cho vay trung hạn bình quân khoảng 15-17%/năm, ông Khánh cho hay.

 

Ngoài ra, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc ECC cho biết doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo còn có thể tiếp cận vốn vay cho dự án tiết kiệm năng lượng từ nguồn khác như Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, Quỹ đầu tư Dragon Capital, …

 

Theo Saigontime