Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:06 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong xây dựng vì lợi ích lâu dài

25/11/2010

Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn xây dựng các tòa nhà, trong đó phải tăng cường các giải pháp kỹ thuật để sử dụng hiệu quả năng lượng. Thế nhưng việc ứng dựng các giải pháp kỹ thuật vào các công trình xây dựng trên thực tế còn hạn chế. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cao, chủ đầu tư chưa thấy hết lợi ích lâu dài của việc tiết kiệm năng lượng, thêm vào đó là các quy định vẫn chưa có các biện pháp chế tài nên các “công trình xanh”, “tòa nhà tiết kiệm năng lượng” còn rất ít, chủ yếu là xuất hiện dưới các công trình đơn lẻ.

Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn xây dựng các tòa nhà, trong đó phải tăng cường các giải pháp kỹ thuật để sử dụng hiệu quả năng lượng. Thế nhưng việc ứng dựng các giải pháp kỹ thuật vào các công trình xây dựng trên thực tế còn hạn chế. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cao, chủ đầu tư chưa thấy hết lợi ích lâu dài của việc tiết kiệm năng lượng, thêm vào đó là các quy định vẫn chưa có các biện pháp chế tài nên các “công trình xanh”, “tòa nhà tiết kiệm năng lượng” còn rất ít, chủ yếu là xuất hiện dưới các công trình đơn lẻ.

 

Xu hướng tất yếu

 

Thực tế, tại TPHCM, mặc dù các chủ đầu tư còn bị hạn chế bởi vốn đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng cho công trình ngay từ khâu thiết kế, nhưng trước xu thế phát triển tất yếu của các tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với mô trường, một số DN đã hướng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm  để giảm thiểu chi phí trong quá trình vận hành khi tòa nhà đưa vào sử dụng.

 

Công ty Lạc Việt đã đầu tư và xây dựng hệ thống điều khiển thông minh trong cao ốc Lạc Việt với tất cả hệ thống điện, nước, điều hòa nhiệt độ, kiểm soát an ninh, mạng… của tòa nhà được lập trình theo một hệ thống điều khiển tập trung để vận hành tự động. Hệ thống cảm ứng tự điều chỉnh nhiệt độ của máy lạnh trong phòng với phù hợp với nhiệt độ ngoài trời, tự động ngắt điện khi không có người trong phòng.


 images357721_8b.jpg


Cao ốc gắn kính xung quanh tận dụng ánh sáng mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng


Theo lãnh đạo công ty, với giải pháp này tòa nhà giảm được điện năng tiêu thụ 15% - 30%, tăng hiệu suất làm việc của nhân viên lên 2% - 5%,  vì tất cả hoạt động đều được điều khiển và kiểm soát từ xa và tăng các giá trị khác của tòa nhà lên gần 4%, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho nhân viên.

 

Còn ở tòa nhà Green Power có đề tài khoa học từ khâu thiết kế để tòa nhà vận hành một cách tiết kiệm nhất về năng lượng, nên khi đưa vào hoạt động, tòa nhà này được các chuyên gia tiết kiệm năng lượng đánh giá là tòa nhà tiết kiệm năng lượng với mức tiết kiệm có thể vượt trên 30%. Ngoài ra, nhiều tòa nhà khác tại TP như khách sạn Majestic, Continental, Grand, Palace, Kim Đô, Oscar, Metropole, siêu thị Big C... cũng lần lượt áp dụng công nghệ tiết kiệm và đã tiết kiệm 15% – 40% điện năng tiêu thụ mỗi năm.

 

Không chỉ các tòa nhà, hiện nay khi xây dựng các cao ốc, chung cư nhiều chủ đầu tư cũng đã chấp hành quy chuẩn xây dựng, kết hợp thiết kế xen lồng kiến trúc sinh thái nhằm tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như thiết kế kết hợp tăng cường sử dụng ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên.

 

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực, với giải pháp thiết kế tại chung cư Thái An có khe sảnh tầng nên không cần sử dụng đèn chiếu sáng và thông hơi cơ học nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng, gió vào sảnh các tầng và các phòng của căn hộ, tạo môi trường trong lành và tiết kiệm năng lượng. “Với thiết kế này có thể tiết kiệm được 10 giờ trái đất mỗi ngày, chứ không phải 1 giờ trái đất mỗi năm vì không cần đèn, quạt thông gió trong suốt thời gian sử dụng”- ông Đực nói.


Ông Phạm Huy Phong, Trưởng ban cố vấn kỹ thuật Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, tham khảo các công trình từ nhiều nước trên thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10%-30% nhưng có thể mang đến mức tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. “Tuổi thọ của một công trình rất lớn, do đó các công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng về lâu về dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành sau này”- ông Phong nói. Đây là một con số không nhỏ, chẳng những mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn lao cho các chủ đầu tư, chủ công trình, người sử dụng, mặt khác cũng đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị, giảm nhẹ các tác động đến môi trường và đặc biệt các chất khí thải gây ảnh hưởng đến hiện tượng biến đổi khí hậu.

 

Tự nguyện hay... bắt buộc?

 

Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Năm 2005, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng cho các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Và sau đó, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn như “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”… Tuy nhiên, chưa có những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài cụ thể đối với việc tiết kiệm năng lượng trong những công trình xây dựng. Chính vì thế, thay vì phải áp dụng các quy chuẩn bắt buộc về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng các tòa nhà thì hiện nay chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, do đó các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… chưa nhiều và chỉ là những công trình riêng lẻ.

 

Theo ông Phạm Huy Phong, hiện nay các tòa nhà tiết kiệm năng lượng tại TPHCM được xây dựng xuất phát từ sự tự nguyện và lợi ích của các chủ đầu tư là chủ yếu chứ chưa phải thực hiện theo quy chuẩn xây dựng.

 

Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho DN mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Do đó, trong những năm trở lại đây, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM đã tổ chức thường niên cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” nhằm mục đích kêu gọi ý thức tiết kiệm điện để tìm ra mô hình tòa nhà tiết kiệm năng lượng hiệu quả và nhân rộng mô hình. Các tòa nhà đoạt giải tại cuộc thi này sẽ được tôn vinh, các DN cũng qua đó được nâng cao uy tín của mình – cách tốt nhất để thu hút khách hàng.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích, tôn vinh các công trình tiết kiệm năng lượng cũng nên có quy định xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng.

 

Trên thực tế, khi giá năng lượng tăng cao thì việc các công trình xây dựng đi theo hướng tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, với tồn tại một thực tế là đối với những công trình xây cho thuê làm văn phòng, chung cư, chủ đầu tư nếu ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng phải bỏ ra chi phí đầu tư cao. Vì vậy, nếu không có quy định rõ ràng, không có biện pháp bắt buộc thì việc các công trình sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng chỉ dừng ở mức tự phát, hiệu quả không cao.

 

Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà ở TPHCM tương đối lớn khoảng 10%-40%. Trong tương lai, khả năng tiết kiệm năng lượng sẽ tăng lên khoảng 20% so với nhu cầu, tuy nhiên phần chi phí đầu tư là khá cao khoảng 30%-40%.

 

Thực tế hiện nay cho thấy, tại TPHCM mỗi năm xây mới khoảng 3,5 triệu m2 do đó nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng là rất lớn. Mỗi năm, TPHCM trích 14%-15% GDP dành cho nhu cầu về năng lượng, chi gần 13.000 tỷ đồng trả cho mức tiêu thụ năng lượng. Do đó vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà đang đặt trong tình trạng bức bách nhằm giảm thiểu chi phí nâng cao lợi nhuận và thân thiện với môi trường.

 

Nhung Nguyễn