Thứ năm, 28/03/2024 | 22:05 GMT+7

Biến đổi khí hậu: EU công bố gói biện pháp về năng lượng sạch

02/12/2016

Trong nỗ lực cùng thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/11, đã công bố một loạt đề xuất nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Liên minh châu Âu (EU) theo hướng sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng.

Trong nỗ lực cùng thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/11, đã công bố một loạt đề xuất nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Liên minh châu Âu (EU) theo hướng sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels tại Bỉ, EC tìm cách thiết lập nhanh chóng một khung pháp lý để đạt mục tiêu cam kết giảm 40% khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 vào năm 2030.

Theo đó, các nước thành viên sẽ cùng đàm phán nghiêm túc về các mục tiêu đã được đề cập trong 1.000 trang tài liệu liên quan đến 8 văn bản luật.

Ủy viên châu Âu về hành động khí hậu Miguel Arias Canete cho biết những quy định được lập ra có tham vọng đưa châu Âu lên vị trí hàng đầu thế giới trong chuyển đổi theo hướng sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, châu Âu sẽ dựa trên hai yếu tố chính là xây dựng khuôn khổ pháp lý ủng hộ phát triển thị trường năng lượng tái tạo và chính sách triệt để tiết kiệm trong sử dụng năng lượng.

Với kế hoạch tổ chức lại mạng lưới điện, EU hy vọng sẽ khôi phục thị trường bán buôn với các nguyên tắc cho phép trao đổi trong ngắn hạn để hiện thực hóa những ràng buộc về sản xuất đa dạng các loại năng lượng tái tạo.

Về tiết kiệm năng lượng, EU sẽ yêu cầu các nước thành viên tăng cường nỗ lực để có thể đạt được tỷ lệ tiết kiệm tới 30% vào năm 2030 so với mức năm 1990 và dự kiến đây sẽ là chỉ tiêu bắt buộc, cho phép tiết kiệm tới 70 tỷ euro trong nhập khẩu năng lượng hóa thạch.

Nghị viện châu Âu (EP) đã nhiều lần kêu gọi EU cần thể hiện quyết tâm cao hơn và nâng mục tiêu tiết kiệm tới 40% và xu hướng này cũng được một số tập đoàn lớn như Philips, Schneider Electric, Siemens hay Veolia nhiệt tình hưởng ứng.

Trong cuộc chiến chống lãng phí, châu Âu nhắm đến việc tăng hiệu suất sử dụng năng lượng tại các tòa nhà.

Hiện có tới 2/3 số công trình xây dựng không đạt tiêu chí này do được xây dựng trước khi ban hành tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng nên châu Âu muốn thúc đẩy chương trình cải tạo các công trình trên.

Điều này cũng có thể mang đến một thị trường tiềm năng có giá trị vào khoảng từ 80-120 tỷ euro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về xây dựng, nội thất… vào năm 2030.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lại bày tỏ quan điểm lạnh nhạt với các đề xuất mới của châu Âu.

Theo http://www.vietnamplus.vn/