Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:42 GMT+7

Lithuania đẩy mạnh hợp tác hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ EU

18/07/2016

Dự án BUILD2LC sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm (2016-20120) với hai giai đoạn chính.

Ngày 30 tháng 6 vừa qua, Cơ quan Phát triển Đầu tư công cộng Lithuania (VIPA) đã cùng với các đối tác khác đến từ 6 quốc gia Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Croatia, Thuỵ Điển và Slovenia, ký biên bản hợp tác tham gia dự án BUILD2LC "Thúc đẩy sáng kiến xây dựng và cải tạo các-bon thấp tại các khu vực châu Âu" trong khuôn khổ chiến lược Interreg Europe với mục tiêu thúc đẩy sự hình thành thị trường hiệu quả năng lượng và tăng cường hiệu quả năng lượng của các nước EU.

Cụ thể, trong khuôn khổ dự án, VIPA sẽ cùng các đối tác tiến hành phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong quá trình triển khai công tác hiệu quả năng lượng của từng nước trong thời gian qua, tìm kiếm những điển hình hiệu quả năng lượng tại Lithuania nói riêng và EU nói chung. Trên cơ sở đó, các bên sẽ thảo luận và xây dựng một kế hoạch hiệu quả năng lượng mới trên phạm vi toàn khu vực.

Theo ông Gvidas Dargužas, người đứng đầu của VIPA, nội dung của kế hoạch trong tương lai dự kiến sẽ bao gồm việc cải tạo hiệu quả năng lượng cho các công trình công cộng và hình thành thị trường cạnh tranh giữa các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng, hỗ trợ tích cực cho người dùng hộ gia đình và doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn, từ đó nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng tổng thể cho nền kinh tế. Riêng với trường hợp Lithuania, một quốc gia có trình độ phát triển trung bình, khoa học công nghệ không nhiều đột phá và quan hệ hợp tác quốc tế còn hạn chế, việc tham gia dự án lần này sẽ đưa đất nước vùng Baltic này trở thành một phần của mạng lưới liên kết khu vực, cung cấp nguồn vốn và kỹ thuật từ các nước EU có trình độ phát triển cao và nhiều kinh nghiệm về hiệu quả năng lượng hơn như Anh, Thuỵ Điển, mang lại cho Lithuania những bước tiến mới trong lĩnh vực quan trọng này.

Được biết, dự án BUILD2LC sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm (2016-20120) với hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1 tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm và lập kế hoạch hành động cho từng quốc gia thành viên; Giai đoạn 2 đặt trọng tâm vào công tác thực hiện kế hoạch với sự giám sát đa phương của các thành viên khác. Tổng quy mô của dự án là 1,7 triệu euro, với nguồn tài chính đến từ Quỹ Phát triển vùng châu Âu, trong đó phần của Lithuania là 187 nghìn euro. Những chi phí đầu tư khác trong quá trình triển khai dự án sẽ được kêu gọi từ các tổ chức hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Môi trường và Năng lượng, Hiệp hội Xây dựng, Viện Năng lượng của Lithuania.

Duy Nguyễn (Theo Baltic-Course)