Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:02 GMT+7

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về ngành năng lượng trong tháng 5

03/06/2013

Tháng 5/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam

Tháng 5/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam, với các nội dung: Ban hành quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện Sê San 4A; Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay cho dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp; Phê duyệt cơ chế tài chính đầu tư lưới điện truyền tải; Phê duyệt danh mục dự án tham gia thị trường phát thải.

8abb5e763_26.jpg

Ban hành quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện Sê San 4A

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Sê San 4A (Quyết định số 707/QĐ-TTg, ngày 9/5/2013).

Quy trình này áp dụng cho công tác vận hành hồ chứa thủy điện Sê San 4A nhằm đảm bảo các yêu cầu theo thứ tự ưu tiên:

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện Sê San 4A, chủ động đề phòng mọi bất trắc, với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 năm; không được để mực nước hồ Sê San 4A vượt cao trình mực nước kiểm tra 166,17m.

Điều hòa dòng chảy cho hạ du, đảm bảo duy trì tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du lớn hơn hoặc bằng 195 m3/s.

Góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Campuchia.

Đảm bảo hiệu quả phát điện.

Quyết định cũng quy định cụ thể việc vận hành công trình điều tiết chống lũ. Cụ thể, lũ được định nghĩa tại hồ chứa thủy điện Sê San 4A là khi lựu lượng nước về hồ bằng hoặc lớn hơn 1.250 m3/s. Để đảm bảo an toàn chống lũ và phát điện, thời kỳ vận hành trong mùa lũ từ ngày 1/7 đến ngày 30/11 hằng năm.

Việc điều tiết hồ trong thời kỳ mùa lũ theo nguyên tắc duy trì mực nước hồ ở cao trình mực nước dâng bình thường 155,2 m bằng chế độ xả nước qua các tổ máy phát điện, tự tràn qua tràn tự do.

Bên cạnh đó, lưu lượng lũ vào hồ được ưu tiên sử dụng để phát công suất lớn nhất có thể được của nhà máy thủy điện, phần lưu lượng lũ còn lại xả qua đập tràn tự do khi mực nước hồ vượt quá cao trình mực nước dâng bình thường 155,2 m.

Sau đỉnh lũ, khi mực nước hồ giảm dần và đạt đến mực nước dâng bình thường 155,2 m, tiến hành điều chỉnh lưu lượng xả qua nhà máy thủy điện theo chế độ điều tiết ngày đêm và phải đảm bảo vận hành điều hòa dòng chảy cho hạ du theo quy định.

Quyết định cũng quy định, để đảm bảo vận hành công trình điều tiết nước phát điện và đảm bảo dòng chảy tối thiểu, quy định vận hành trong thời kỳ mùa kiệt, từ 1/12 đến 30/6 năm sau.

Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay cho dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp

Chính phủ vừa đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định vay cho dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (Văn bản số: 174/TTr-CP, ngày 3/5/203).

Được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, ngày 7/3/2013 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký với Đại diện ADB Hiệp định vay cho dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp.

Theo Hiệp định vay đã ký, ADB tài trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 148.170.000 Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tương đương 74 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi với thời hạn là 32 năm, trong đó có 8 năm ân hạn với lãi suất là 1%/năm trong thời gian ân hạn và 1,5%/năm trong những năm tiếp theo.

Nội dung chính của dự án gồm 4 hợp phần: Quản lý chất thải chăn nuôi; Tín dụng cho chuỗi giá trị khí sinh học; Tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất cacbon thấp và quản lý dự án.

Dự án được triển khai tại 10 tỉnh bao gồm: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Thời gian thực hiện trong 6 năm (2013-2018).

Mục tiêu của dự án là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng, nhân rộng các mô hình nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phế phụ phẩm trong nông nghiệp, quản lý hiệu quả các hoạt động chế biến, bảo quản sau thu hoạch nông sản.

Phê duyệt cơ chế tài chính đầu tư lưới điện truyền tải

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa phê duyệt cơ chế tài chính cho "Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải" - khoản vay 2, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay của Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (NPT), bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

“Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải” là dự án đầu tư xây dựng các đường dây, trạm biến áp 500 KV và 220 KV tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của dự án nhằm giải phóng nguồn điện của các nhà máy điện mới, nâng cao độ tin cậy, chống quá tải, đảm bảo khả năng truyền tải thông suốt của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Đồng thời dự án cũng góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao phục vụ cho tiêu dùng, thương mại và công nghiệp.

Phê duyệt danh mục dự án tham gia thị trường phát thải

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật "Xây dựng đề xuất sẵn sàng tham gia thị trường phát thải (PMR)" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, trị giá 315.000 USD.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh văn kiện dự án và chịu trách nhiệm phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật trên theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt danh mục dự án "Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam", với tổng kinh phí là 4,4 triệu Euro, viện trợ ODA của Chính phủ Đức.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện văn kiện, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, dự án đạt mục tiêu đề ra.

 Theo NangluongVietnam.vn