Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:08 GMT+7

Cấm đèn sợi đốt là xu thế tất yếu

13/09/2011

Việc hạn chế sử dụng và tiến tới cấm hẳn đèn sợi đốt là một xu thế tất yếu và đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Vì vậy chủ trương của Bộ Công thương về việc xây dựng lộ trình cấm hẳn đèn sợi đốt là rất đúng đắn và phù hợp với xu thế.

Bộ Công thương đang nghiên cứu lộ trình dự thảo hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt. Xung quan vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc – Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.

a4c4f37df_anhonghung.jpgThưa ông, việc Bộ Công thương nghiên cứu dự thảo hạn chế và tiến tới cấm hẳn sản xuất, sử dụng bóng đèn sợi đốt, theo ông, liệu có nên hay không?

Việc hạn chế sử dụng và tiến tới cấm hẳn đèn sợi đốt là một xu thế tất yếu và đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Vì vậy, theo tôi, chủ trương của Bộ Công thương về việc xây dựng lộ trình cấm hẳn đèn sợi đốt là rất đúng đắn và phù hợp với xu thế.


Nếu cấm sản xuất và sử dụng bóng đèn sợi đốt, theo quan điểm của cá nhân ông, Công ty điện quang cũng như các doanh nghiệp cùng ngành khác, liệu có chịu ảnh hưởng gì hay không?

Chiến lược sản phẩm của Điện Quang là “An toàn - Tiết kiệm - Thân thiện với môi trường”, nên trong quá trình phát triển của mình, chúng tôi luôn chú trọng phát triển các sản phẩm theo hướng đó. Điện Quang cũng đã hạn chế dần sản lượng đèn sợi đốt, không đầu tư thêm công nghệ và sản phẩm mới cho dòng sản phẩm này, đồng thời chú trọng việc phát triển các sản phẩm mới tiết kiệm điện năng thay thế cho đèn sợi đốt như đèn compact, đèn Huỳnh Quang MaxX, đèn Double Wing, đèn LED và đặc biệt là dòng Compact chống ẩm, chịu được nước tiếp xúc trực tiếp, thay thế rất hiệu quả cho đèn sợi đốt dùng trong nông nghiệp, ngư nghiệp, ngoài trời. Năm vừa qua, chúng tôi cũng đã hợp tác chặt chẽ với EVN để cung cấp các sản phẩm đèn compact cho chương trình "thay thế 1 triệu đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện" của EVN và phối hợp với các điện lực địa phương để tài trợ các chương trình truyền thông tiết kiệm điện.

df00a6f72_soi_dot.jpg

Chiến lược sản phẩm của ĐQ hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Công thương. Và tôi nghĩ các doanh nghiệp cùng ngành nếu có cùng tiêu chí phát triển sản phẩm thì cũng sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dự thảo này.

Nếu ban hành lệnh cấm, ông nghĩ cần có cách thức và lộ trình như thế nào thì hợp lý?


Chủ trương hạn chế và hướng đến cấm hẳn đèn tròn là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên khi triển khai cần quan tâm lưu ý đến quyền lợi của 2 nhóm đối tượng sau:

- Người lao động của doanh nghiệp sản xuất. Việc này cần có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp sắp xếp và đào tạo lại người lao động. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc này.

- Người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với thu nhập chưa cao, vẫn có nhu cầu sử dụng đèn sợi đốt do giả cả, đầu tư ban đầu phù hợp với thu nhập.

Về cách thức thực hiện, nên có lộ trình khoảng 5-7 năm, theo đó thời gian đầu nhà nước nên tiếp tục có các chính sách khuyến khích việc thay thế đèn sợi đốt bằng các sản phẩm thay thế tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp như EVN, ĐQ và các nhà sản xuất bóng đèn cũng nên chung tay với nhà nước để tích cực triển khai công tác truyền thông, phát triển sản phẩm mới như trong thời gian qua (Năm 2011, Điện Quang đã tài trợ hơn 500 triệu đồng cho công tác truyền thông về tiết kiệm điện).

Tôi nghĩ, để tiến tới cấm hẳn đèn sợi đốt, thời gian đầu nhà nước nên cấm trước một số sản phẩm đèn sợi đốt có công suất cao như đèn sợi đốt trên 100W, sau đó đến 75-100W rồi cuối cùng mới cấm toàn bộ.  

  Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tamnhin.net