Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:17 GMT+7

Doanh nghiệp Mỹ thâm nhập thị trường năng lượng tái tạo Ấn Độ

03/02/2016

Trước tình hình Ấn Độ tìm cách tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, các doanh nghiệp Mỹ đang đổ xô vào nước này để giành thị phần.

Trước tình hình Ấn Độ tìm cách tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng từ 13% lên 40% vào năm 2030, các doanh nghiệp Mỹ đang đổ xô vào nước này để giành thị phần. 

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ, Fred P. Hochberg cho biết định chế này đang làm việc với nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo Mỹ nhằm tăng cường thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Cam kết cắt giảm khí thải 35% vào năm 2030 của Ấn Độ đã tạo cơ hội lớn cho các nhà sản xuất pin mặt trời.

Chủ tịch Hochberg cho biết: “Chúng tôi đứng ra bảo lãnh để các định chế tài chính có thể tiến hành cho vay. Nhìn chung, lãi suất dao động từ 4-6% bao gồm tất cả các loại phí liên quan, nhưng đây cũng chỉ là con số ước tính. Lãi suất thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.”

Giá pin mặt trời trên thị trường thế giới giảm cùng với chính sách thúc đẩy công suất năng lượng mặt trời lên mức 100 gigawatt vào năm 2022 đã làm tăng khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trong khu vực này. Tuy nhiên, sự thiếu ổn định của năng lượng gió và năng lượng mặt trời vẫn khiến chúng kém hấp dẫn hơn so với thủy năng và khí tự nhiên.

Được biết Ấn Độ cần 6 nghìn tỉ Rupee để tăng công suất năng lượng mặt trời từ 5.100 MW hiện tại lên 400 GW.

Hiện tại 70% năng lượng tại Ấn Độ được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch bao gồm than, gas, và dầu. Các dự án thủy điện lớn chiếm 15%, các nguồn tái tạo chiếm 13% và năng lượng hạt nhân chiếm 2%.

Ngoài ra, theo ông Hochberg, các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân tại Ấn Độ do quy định pháp lý thiếu nhất quán, đồng thời bên nhà thầu phải gánh trách nhiệm năng nề trong trường hợp xảy ra sự cố. 

Hạnh Nguyễn (Theo Live Mint)