Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:36 GMT+7

Dán nhãn năng lượng: Bước chuyển trong tiết kiệm điện

14/09/2013

Tính đến hết tháng 6/2013, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 1.577 chủng loại sản phẩm của 10 loại trang thiết bị phải dán nhãn

Từ ngày 1/7/2013, hoạt động dán nhãn năng lượng chính thức trở thành điều kiện bắt buộc với một số thiết bị tiêu thụ điện thuộc nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp. Đây được xem là một cú hích đê chương trình dán nhãn năng lượng dần tiến kịp với mục đích đề ra…

 d85b05cb4_nhannl2_1.jpg
Tính đến hết tháng 6/2013, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 1.577 chủng loại
sản phẩm của 10 loại trang thiết bị phải dán nhãn. Ảnh: VNEEP

Từ những chuyển động của doanh nghiệp…

Với mục tiêu ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao… quy định dán nhãn năng lượng tập trung vào các sản phẩm sử dụng thường xuyên và tiêu tốn nhiều năng lượng như: Với thiết bị gia đình là: tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện, máy giặt, quạt, đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact…; với thiết bị công nghiệp là máy biến áp phân phối 3 pha và động cơ điện.

Có mặt tại Trung tâm Thử nghiệm - kiểm định công nghiệp - TVCI (Viện Cơ khí năng lượng và Mỏ- Vinacomin) vào những ngày đầu tháng chín, ngay cửa phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của trung tâm, các sản phẩm điều hòa, máy giặt của các hãng Daikin, Panasonic, Tosiba, Mitsubishi, Hitachi (Nhật Bản), TCL (Trung Quốc), Hòa Phát, Reetech (Việt Nam) chất kín, tràn ra cả lối đi. Chị Nguyễn Thu Hiền- Giám đốc trung tâm TVCI cho biết: TVCI là trung tâm duy nhất tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để kiểm định chất lượng các sản phẩm điều hòa, máy giặt, chính vì vậy, ngay sau khi có quy định về dán nhãn năng lượng, một số công ty đã mang sản phẩm đến trung tâm để kiểm định. Từ các kết quả kiểm định này, các công ty sẽ mang đến Bộ Công Thương để xin được cấp nhãn năng lượng từ 1 sao đến 5 sao (tùy vào kết quả kiểm định). Ngoài TVCI, Phòng thử nghiệm Công ty TNHH Intertek Testing Services (Thái Lan) và Phòng thử nghiệm Korea Testing Laboratory (Hàn Quốc) là 2 đơn vị đủ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sản phẩm cho điều hòa, tủ lạnh để dán nhãn.

Bắt đầu kiểm định sản phẩm điều hòa Mitsubishi tại TVCI từ tháng 6/2012, anh Lưu Phan Khương- Giám đốc phòng bảo hành Công ty Mitsubishi Electric, chia sẻ: Với hệ thống thiết bị hiện đại, các kết quả của trung tâm rất chính xác và tương đồng với kết quả của phòng thí nghiệm công ty. Chi phí thử nghiệm cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành của sản phẩm. Đến nay, Mitsubishi Electric đã thử nghiệm gần 20 model sản phẩm điều hòa tại đây. Cùng với sản phẩm điều hòa, tủ lạnh, các sản phẩm bóng đèn (Rạng Đông, Điện Quang), quạt điện (ASIA)… cũng đã tích cực tham gia kiểm định tại các trung tâm có đủ tiêu chuẩn kiểm định hiện nay như: Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3); Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM.

…Đến chế tài để “giữ giá” cho nhãn năng lượng

Giá điện tăng, nhu cầu sử dụng điện ngày càng nhiều, do đó, yếu tố tiết kiệm được xem là một trong những tiêu chí quan trọng khi đi người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm đồ điện dùng trong gia đình. Chính vì vậy, nhãn năng lượng được ví như “giấy thông hành” cho sản phẩm tiêu thụ điện. Thay vì lựa chọn sản phẩm theo quảng cáo, hay mất nhiều công tìm hiểu, giờ đây đến với các cửa hàng điện máy, trung tâm thương mại chọn mua đồ điện, căn cứ vào nhãn năng lượng, người tiêu dùng có thể so sánh giữa các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu nào có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn… Tuy nhiên, theo anh Lưu Phan Khương: 3 sao hay 5 sao chỉ là kết quả thử nghiệm khi sản phẩm chạy với điều kiện ổn định; chính vì vậy, việc lắp đặt, sử dụng máy như thế nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất của sản phẩm.

Đánh giá cao về chương trình dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương, anh Khương cũng kỳ vọng, chương trình sẽ được thực hiện nghiêm túc và phổ biến rộng hơn để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, từng bước hạn chế lưu thông những sản phẩm sử dụng tốn điện trên thị trường.

Theo Quyết định Quyết định 03/2013/QĐ-Ttg ngày 14/1/2013 Sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 51/2011/QĐ –Ttg của Thủ tướng Chính phủ; từ ngày 1/1/2014, sẽ bắt buộc thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các mặt hàng tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình… Theo đó, nếu việc dán nhãn được đẩy mạnh thực hiện, nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được nhân lên.

Để ngăn chặn việc các doanh nghiệp có thể lợi dụng nhãn năng lượng, đồng thời tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao, mức xử phạt vi phạm về nhãn năng lượng cũng đã được nâng cao. Cụ thể, phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách; phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đã hết hạn; đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị bắt buộc dán nhãn mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng; phạt tiền lên đến 70 triệu đồng đối với hành vi dán nhãn năng lượng không đúng với giấy chứng nhận được cấp hoặc dán nhãn cho sản phẩm chưa được cấp chứng nhận tiết kiệm năng lượng.

Tính đến hết tháng 6/2013, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 1.577 chủng loại sản phẩm của 10 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg. Bao gồm: 155 chủng loại thiết bị chiếu sáng, gần 700 chủng loại quạt điện, 278 sản phẩm điều hoà không khí, 154 sản phẩm máy giặt, 285 sản phẩm nồi cơm điện, 5 sản phẩm động cơ, 30 sản phẩm máy biến áp phân phối.

Theo Trang tin ngành điện