Thứ ba, 16/04/2024 | 20:38 GMT+7

Sử dụng máy sấy quần áo an toàn và tiết kiệm điện

03/02/2016

Trong những ngày mưa phùn liên tiếp vừa qua, với các gia đình có con nhỏ hay diện tích sân phơi chật hẹp, chiếc máy sấy quần áo là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Dưới đây là cách sử dụng máy sấy an toàn và tiết kiệm điện.

Sử dụng máy sấy quần áo sao cho an toàn, tránh cháy nổ là điều các bà nội trợ cần lưu ý.

Sử dụng máy sấy quần áo trong những ngày mưa, ẩm là một giải pháp khá hiệu quả đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, việc sử dụng sao cho an toàn và hiệu quả không phải ai cũng biết. Nhưng lưu ý trong quá trình sử dụng sau đây, hy vọng sẽ giúp ích cho tất cả các bà nội trợ biết cách sử dụng máy sấy vừa hiệu quả vừa tiết kiệm điện.

Sử dụng máy sấy quần áo an toàn, tránh nguy cơ cháy nổ

Theo lời khuyên của các nhà cung cấp, để đảm bảm tính an toàn và tránh nguy cơ bị cháy nổ khi sử dụng máy sấy quần áo, người sử dụng đặc biệt tránh đưa những vật có dính hoặc ngâm trong dầu thực vật, dầu ăn, dầu bôi trơn hoặc mỡ… vào trong máy. Quần áo có dầu mỡ dễ gây phản ứng cháy nổ nếu được đưa vào máy sấy khô. Những vật bằng cao su hay nhựa dẻo cũng có nguy cơ gây cháy, các bà nội trọ nên cẩn thận với những loại vật dụng này.

Theo đó, mọi công việc về điện cần thiết cho việc lắp đặt máy phải được thực hiện bởi thợ điện chuyên nghiệp hay những người thành thạo về điện .Một yếu tố khá quan trọng mà người sử dụng cần biết, máy sấy được thiết kế để thông với nguồn không khí thoáng. Vì vậy máy nên có hệ thống thông gió riêng, không dùng chung với bất cứ hệ thống thông gió được nối với bất kỳ thiết bị nào khác.

Để đảm bảo tính ao toàn và tránh được nguy cơ gây cháy nổ, người sử dụng cần tránh đưa một số loại vải không phù hợp vào máy sấy, ví dụ như vải có dính hoặc ngâm trong dầu thực vật, dầu ăn, dầu hạt lanh, dầu bôi trơn hoặc mỡ. Nguyên nhân là do những chất này dễ bay hơi nên chúng có thể gây nổ. 

Không cho quần áo vào máy sấy quần áo với bất cứ hóa chất nào (bột giặt, nước xả) Sau khi sấy xong, tốt nhất nên lấy quần áo ra khi máy đã ngưng hoạt động từ 3 – 5 phút. Với máy sấy quần áo  có chế độ chống nhăn, cần lấy quần áo ra ngay nếu đèn tín hiệu báo đỏ.

Ngoài ra, những loại quần áo có các phụ kiện bằng kim loại cũng không nên để trong máy sấy. Bởi hư hỏng có thể xảy ra nếu các phụ kiện kim loại rớt ra trong quá trình sấy. Giữ bộ lọc vải trong máy luôn sạch sẽ, trước khi sấy quần áo nên làm sạch bộ lọc này. Khi máy sấy quần áo đang hoạt động không nên cho trẻ em đến gần

Làm sao để tiết kiệm điện

Trong bối cảnh giá điện đang có xu hướng tăng cao, việc tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng máy sấy quần áo là điều nhiều người chú ý đến. Để tiết kiệm năng lượng và để giúp bảo vệ môi trường, người sử dụng nên để vật cần sấy vào khoảng từ 1/2 đến 2/3 lồng giặt, bởi nếu sấy với lượng quá ít sẽ rất hoang phí. Cùng với đó, luôn sấy quần áo đã được vắt ráo, bởi làm như vậy sẽ rút ngắn được thời gian hoạt động của máy. Điều này tất nhiền sẽ làm giảm công suất tiêu thụ điện.

Một điều mà các nhà cung cấp cũng khuyên người sử dụng, đó là trong quá trình sấy quần áo thì không nên để quá khô. Như vậy sẽ giúp tránh nhăn quần áo và tiết kiệm điện.

Cùng với những lưu ý trên, người sử dụng cũng cần lựa chọn chương trình sấy phù hợp với từng loại vải và độ sấy khô cần thiết. Vệ sinh lưới lọc bông vải thường xuyên, cũng là cách để tránh lãng phí thời gian sấy và tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Theo các nhà cung cấp, khi sấy quá lâu, hơi nóng từ nhiệt độ cao làm giảm hơi ẩm trên quần áo, khiến cho quần áo bị co rút lại, nhất là với các loại vải cotton. Vì vậy, để tránh bị tình trạng này, bạn hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống và lấy quần áo ra khỏi máy sấy trong khi chúng vẫn còn lưu lại một ít hơi ẩm.

Hà Nguyễn (theo vnexpress.net)