Thứ năm, 28/03/2024 | 15:45 GMT+7

“Bày” cách sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm

11/04/2015

Thời tiết chuyển mùa, nhu cầu dùng các thiết bị điện sinh hoạt gia tăng, giá điện tăng… là một trong những điểm mà người tiêu dùng cần lưu ý nhằm đảm bảo sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm trong thời điểm này.

Thời tiết chuyển mùa, nhu cầu dùng các thiết bị điện sinh hoạt gia tăng, giá điện tăng… là một trong những điểm mà người tiêu dùng cần lưu ý nhằm đảm bảo sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm trong thời điểm này.

Theo thống kê mới nhất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ trung bình/ngày của toàn thành phố tăng trên 20%...

Nhu cầu sử dụng điện tăng do thời tiết “ẩm ương”

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết trở nên nắng nóng bất thường. Có những ngày, buổi sáng và đêm trời khá lạnh, nhưng ban ngày lại nắng chang chang, thậm chí nhiệt độ còn lên tới trên 30oC.

Chị Nhung, làm việc tại Nhà sách Trí Đức ở Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Nhà tôi cách cơ quan khoảng gần 10km nên buộc phải dùng xe máy để đi làm. Những ngày này, thời tiết khá “đỏng đảnh”, sáng lạnh nhưng trưa thì nóng. Thế nên tôi phải mặc thêm áo khoác nhẹ để “chống rét”. Ở cơ quan chúng tôi giờ bắt đầu dùng điều hòa, vừa để cho cửa hàng khô, sách không bị ẩm mốc, vừa để khách hàng vào mua sách cảm thấy dễ chịu. Bởi vào tầm trưa, trời nắng và nóng”.

Chị Nhung cho biết thêm, gia đình chị sống 3 thế hệ, gần 10 người. Nhà có trẻ con nên gia đình chị vẫn thường xuyên “trưng dụng” cả bình nóng lạnh vào mùa hè. Thời điểm từ giữa tháng 3 trở đi, khi đèn sưởi mùa đông được “giảm tải” thì nhà chị lại phải dùng thêm các thiết bị làm mát như quạt điện, thậm chí cả điều hòa...

Có thể thấy thời gian qua, nhiều người “than vãn” vì trời nồm, ẩm, mưa phùn kéo dài. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, độ ẩm không khí tại thành phố Hà Nội, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 tăng cao đáng kể, dao động từ 97 - 98%. Quần áo, đồ dùng sinh hoạt, thiết bị điện tử cùng nhiều vật dụng khác trở thành “nạn nhân” của tình trạng thời tiết khá khó chịu này.

Chị Hà (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) than thở: “Khu vực này chật hẹp, ẩm ướt. Ngõ vào nhà tôi rất tối, lúc nào cũng phải thắp điện. Nhà nhỏ, lại có 6 người chung sống: bố mẹ chồng, vợ chồng tôi và hai con. Vào những hôm trời nồm ẩm thật khó chịu. Nhà vốn chật chội, “khổ sở” trong việc phơi quần áo, tôi phải “huy động” quạt, máy sấy, điều hòa để làm khô quần áo và nhà cửa, vì thế công tơ điện cứ quay vun vút...".

Nhân viên các cửa hàng điện máy cũng cho biết, so với mùa đông thì thời điểm vừa qua, nhu cầu sử dụng những thiết bị điện “bổ sung” cho thời gian chuyển mùa - những thiết bị điện thông thường tăng lên đột biến, đặc biệt là các loại máy sấy, tủ sấy quần áo.

Theo đại diện siêu thị MediaMart, trung bình mỗi ngày siêu thị bán ra hàng nghìn sản phẩm máy sấy, máy hút ẩm các loại. Đặc biệt trong những ngày mưa phùn kéo dài, khách hàng nhanh chóng đổ xô đi mua các thiết bị sấy quần áo, điều hòa không khí... Giám đốc một công ty kinh doanh điện máy ở Phố Huế, Bà Triệu (Hà Nội) cho biết nhiều hôm máy sấy, tủ sấy quần áo cháy hàng.

Nhiều gia đình chia sẻ, vẫn biết sử dụng nhiều thiết bị điện thì tốn tiền điện, nhưng không dùng không được. Với mỗi gia đình, các thiết bị điện “phát sinh” trong thời gian vừa qua trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo đánh giá của của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian này, đặc biệt từ giữa tháng 3 đến ngày 21/3/2015 đã tăng lên so với những tháng vừa qua. Thông báo mới nhất của EVN HANOI cho biết, sản lượng điện tiêu thụ trung bình/ngày của toàn thành phố đã tăng trên 20%.

Hóa đơn điện tăng có nhiều nguyên nhân

Từ ngày 16/3/2015, giá bán điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Trước đó, ngày 11/3, Liên bộ Tài chính - Công thương cũng đã điều chỉnh tăng giá xăng, cụ thể giá xăng RON92 đã tăng thêm khoảng 1.616 đồng/lít, xăng E5 tăng thêm 1.606 đồng/lít, dầu DO tăng 713 đồng/lít.

Việc điều chỉnh hai mặt hàng quan trọng đối với đời sống nhân dân không tránh khỏi những ý kiến khác nhau. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, đây là việc làm cần thiết. Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tích cực thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.

Về phía người dân, chị Lan Anh, giáo viên trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Long Biên - Hà Nội) cho biết: “Hôm trước nhân viên điện lực đưa giấy thông báo tăng giá điện đến gia đình tôi cũng thấy sốt ruột. Mặc dù trước đó, tôi đã đọc báo, xem tivi biết việc tăng giá điện 7.5% chắc chắn hóa đơn điện tháng 3 sẽ tăng nên cũng đã quán triệt với ông xã và hai đứa nhỏ phải “tiết kiệm điện hết mức có thể”, chấm dứt tình trạng tivi bật không người xem, ra khỏi phòng không tắt điện…nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí".  

Theo chị Lan Anh, thời tiết tháng 3 ẩm, nồm kéo dài cũng là nguyên nhân làm tăng tiền điện. Nhiều gia đình ở Hà Nội ngoài sử dụng thiết bị điện sinh hoạt thông thường gồm đèn điện, tivi, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, máy bơm nước, máy tính… còn phải sử dụng thêm cả điều hòa, quạt sưởi, máy sấy quần áo nữa.

Thêm nữa,  tháng 2 chỉ có 28 ngày, tháng 3 có 31 ngày, chênh lệch 3 ngày cũng là nguyên nhân đáng kể dẫn đến hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng.. 

Các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Sử dụng điện thế nào để hiệu quả và tiết kiệm luôn là một câu hỏi đang được đặt ưu tiên lên hàng đầu của rất nhiều hộ gia đình cũng như những doanh nghiệp, tổ chức có mức sử dụng điện năng cao.

Việc sử dụng điện hiệu quả vừa giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt đang ngày càng đắt đỏ cũng như giảm gánh nặng đối với ngành điện lực, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển nguồn năng lượng xanh bền vững.

Chúng tôi xin đưa ra một số điểm người dân cần lưu ý khi sử dụng điện dưới đây:

1. Rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị.

2. Lắp đặt thiết bị hợp lý, khoa học để giảm lượng tiêu hao điện đối với các thiết bị, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

3. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (Sáng từ 9h30- 11h30; Tối từ 17h00 - 20h00).

4. Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công Thương.

5. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ban ngày từ 25oC trở lên và ban đêm từ 27- 28oC

Người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp để sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Ảnh minh họa

Điều chỉnh thói quen sử dụng thiết bị điện trong gia đình

Tủ lạnh: Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 - 6oC. Với chế độ đông lạnh thì để âm 15oC đến âm 18oC. Cứ lạnh hơn 10oC là tốn thêm 25% điện năng. Nên thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều nên rất tốn điện.

Máy điều hòa nhiệt độ: Để nhiệt độ ở mức trên 20oC. Cứ cao hơn 10oC là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng. Nếu thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng. Nếu đặt máy xa tường, sẽ tiết kiệm 20 - 25% điện năng. Nên tắt máy điều hòa nếu bạn vắng nhà 1 giờ trở lên.

Quạt: Nên cho quạt chạy ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm điện, vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện. Nhớ rút phích cắm điều khiển từ xa ở quạt sau mỗi lần sử dụng.

Máy tính: Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (down-time).

Bàn là: Không dùng bàn là trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ hoặc khi quần áo còn ướt. Lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn. Sau khi tắt điện, bạn còn có thể là được 2 bộ quần áo nữa vì nhiệt của bàn là giảm chậm.

Máy giặt: Chỉ dùng máy giặt khi có đủ lượng quần áo để giặt và chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.

Lò vi sóng: Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hòa nhiệt độ, không đặt gần các đồ điện khác để khỏi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.

Ti vi: Không nên để màn hình ở chế độ sáng quá để đỡ tốn điện. Không nên tắt ti vi bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút ở máy. Không xem ti vi khi đang nối với đầu video. Nên chọn kích cỡ ti vi phù hợp với diện tích nhà bạn, vì ti vi càng to càng tốn điện.

Theo Công Lý