Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:54 GMT+7

Tưới tiết kiệm trên vùng khô hạn

29/07/2016

Các mô hình tưới nước tiết kiệm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp nông dân giảm từ 30 - 40%, lượng nước tưới, giảm sâu bệnh, giảm thuốc BVTV.

Mô hình tưới tiết kiệm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất giúp gia đình ông Hùng Ky thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất nước. Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, hạn hán khốc liệt hơn, nguồn nước tưới càng khan hiếm. Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhiều nơi đã triển khai các giải pháp cấp bách chống hạn, đặc biệt là tưới tiết kiệm.

Nguồn nước ngầm ở vùng đất cát ven biển huyện Ninh Phước ngày càng khan hiếm, nhưng nông dân nơi đây vẫn có ruộng rau màu xanh tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Vậy “bí kíp” trồng rau nơi đây là gì? Đó là áp dụng thành công mô hình tưới tiết kiệm.

Đợt nắng hạn đỉnh điểm vừa qua, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi tham quan mô hình SX rau màu tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải. Ông Hùng Ky, người dân tộc Chăm là chủ ruộng đậu phộng, măng tây và cà chua với diện tích 2,5ha, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa. Ông cho biết, mô hình này giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất giúp gia đình thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Theo nhiều nông dân nơi đây, hệ thống tưới phun mưa cho rau màu được thiết kế gồm máy bơm 3 pha; hệ thống đường ống nhựa cứng PVC và sử dụng nguồn nước ngầm (giếng khoan). Nước bơm dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và đường ống nhánh. Trên ống nhánh, lắp các ống phun cao khoảng 0,6 - 0,7m so với mặt ruộng và có gắn vòi phun ly tâm.

Mô hình tưới tiết kiệm cho rau màu ở thôn Tuấn Tú.

Ông Ky cho hay, hệ thống này không chỉ giảm lượng nước tưới từ 40 - 50% so với phương pháp tưới tràn và tưới rãnh mà còn giảm được 70% công lao động tưới, hơn nữa chi phí năng lượng (điện năng) để bơm tưới cũng giảm đáng kể.

Đến nay toàn xã An Hải đã áp dụng công nghệ này khoảng 150ha và cũng là mô hình điểm để các địa phương khác đến học tập để nhân rộng.

Theo ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), sở dĩ vườn nho ở đây vẫn xanh tốt và cho năng suất ổn định là nhờ áp dụng công nghệ tưới phun mưa.

Những đợt nắng hạn từ cuối năm 2014 đến nay, nếu bà con không áp dụng đồng bộ công nghệ này thì nguồn nước tưới không đủ và cây nho cũng đã chết khô. Cách tưới này tiết kiệm từ 40 - 60% lượng nước tưới, tăng năng suất nho. Mô hình đã thuyết phục được nông dân, từ đó họ tự động áp dụng.

“Toàn xã có 154ha nho. Nếu như năm 2014, chỉ có vài hộ áp dụng tưới tiết kiệm với diện tích vài ha thì hiện nay đã nhân rộng trên 80% diện tích. Mô hình đã tiết kiệm từ 50% lượng nước tưới, nước thấm sâu, giảm 50% tiền điện và 70% công lao động”, ông Cảnh chia sẻ.

Chúng tôi ghé thăm vườn nho gia đình ông Phạm Văn Hùng ở thôn Thái An áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho 9 sào nho.

Theo ông Hùng, trước đây nếu tưới tràn cho 1 sào (1.000m2) phải mất 2 giờ, còn áp dụng tưới tiết kiệm chỉ khoảng 1 giờ, đồng nghĩa giảm 50% lượng nước tưới và giảm 50% tiền điện. Hơn nữa áp dụng cách tưới tràn thì người lao động phải mất 2 giờ vác cuốc đi theo từng luống để dẫn dòng và chặn dòng khi nước tưới đủ, còn áp cách tưới mới chỉ cần mở van và đóng van là nước tưới tới tận gốc nên giảm được công tới 70% và lúc rảnh rỗi có thể làm việc khác như cột cành, nhổ cỏ.

Ngoài ra cách tưới này không gây úng cục bộ và luống nho luôn khô ráo, tăng độ xốp cho đất, giúp bộ rễ phát triển tốt, cho năng suất cao trong những tháng nắng hạn gay gắt.

Vườn nho xanh tốt nhờ áp dụng tưới phun mưa

 “Nhờ áp dụng công nghệ tưới và chăm sóc mới, năng suất nho luôn ở mức ổn định khoảng 2 tấn/sào, bán giá trung bình từ 14.000 - 15.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng/sào, tương đương khoảng 200 triệu đồng/vụ và mỗi năm SX được 3 vụ”, ông Hùng chia sẻ.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ là nước trước khi dẫn đến tưới cho cây sẽ được máy bơm điện bơm qua các hệ thống ống. Trong đó ống chính dẫn nước có đường kính 60mm, ống dẫn lên béc có đường kính 27mm và 21mm được bố trí nằm cách giữa 2 hàng cây và chôn cách mặt đất 5 - 7 cm; khoảng cách giữa các béc tưới 3 x 4m hoặc 3 x 3m; độ cao của béc tưới từ 20 - 35cm; trung bình mỗi sào lắp đặt khoảng 60 - 70 béc tưới, mỗi ngày tưới 30 - 40 phút vào buổi sáng, cách 2 ngày tưới một lần.

 

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, qua 2 năm triển khai, các mô hình tưới nước tiết kiệm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp nông dân giảm từ 30 - 40%, lượng nước tưới, giảm sâu bệnh, giảm thuốc BVTV. Đến nay toàn tỉnh đã nhân rộng trên 500ha, chủ yếu tưới cho các loại rau màu, cây ăn trái.

Theo nongnghiep.vn