Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:30 GMT+7

Gương sáng về một gia đình tiết kiệm điện

27/05/2016

Thực hành tiết kiệm điện là hành động thiết thực góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Tiết kiệm điện là tiết kiệm nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan doanh nghiệp và từng người sử dụng điện. Thực hành tiết kiệm điện là hành động thiết thực góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững. Là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới công cuộc sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong cuộc sống hàng ngày, như chúng ta đã biết để làm thay đổi thói quen, ý thức của mỗi người là điều vô cùng khó khăn. Và để mọi người hình thành được thói quen, ý thức tự giác tiết kiệm điện lại là chuyện càng khó hơn. Nhưng hiện nay từ thành thị đến nông thôn, mỗi chúng ta ai ai cũng được nghe những thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện như đã dần trở nên quen thuộc. Có rất nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương đáng để cho chúng ta học hỏi và noi theo. Hay những câu chuyện đời thường xảy ra xung quanh chúng ta bằng cả con người thật và việc thật. Nhưng mấy ai nhận ra được giá trị chân thật của con người chân chất, thật thà ấy. Và công việc tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng thiết nghĩ có mấy ai trong chúng ta làm được như họ. Đến khi chính tôi được gặp con người thật, việc thật. Được tìm hiểu và đi sâu vào đời sống thường ngày của họ thì tôi mới hiểu được cuộc sống của họ đơn giản và tiết kiệm như thế nào.

Gia đình Tô Văn Huệ và Nguyễn Thị Mão chia sẻ về việc thực hiện tiết kiệm điện tại gia đình.

Lần theo con đường mòn, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là gia đình hai bác Tô Văn Huệ và Nguyễn Thị Mão tại thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Bước chân vào nhà tôi gặp ngay hai bác, hai bác là cán bộ hưu trí năm nay đã ngoài 80 tuổi. Trông hai bác thật hiền lành phúc hậu, ánh mắt vẻ lên sự ngạc nhiên, bất ngờ khi gặp tôi. Sau phút giây bàng hoàng ấy, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với nhau thật gần gũi và thân mật.

Tôi được tiếp chuyện với hai bác trong khoảng thời gian nửa giờ đồng hồ, với thời gian đó không phải là dài để tôi hiểu hết cuộc sống của họ, nhưng cũng đủ để tôi đúc kết một số kinh nghiệm “tiết kiệm điện” của gia đình bác ấy.

Bác Mão vui vẻ nói với tôi : “Gia đình bác có 3 người sống chung, hai bác là giáo viên đã về hưu và một anh con trai hiện đang là phó hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở. Hàng ngày bác xem việc tiết kiệm điện là việc đặt lên hàng đầu trong kế hoạch tiết kiệm kinh tế của gia đình.

Trong nhà bác đã sử dụng những bóng đèn compact thay cho đèn huỳnh quang, sợi đốt… bác chỉ dùng điện để nấu cơm, thắp sáng mỗi khi cần. Còn việc đun nước bác đã tận dụng cây lá khô trong vườn để đun nấu. Giặt quần áo bác vẫn thường xuyên giặt bằng tay trừ khi đau ốm, trời mưa bão kéo dài hoặc những đồ khó giặt thì bác mới dùng đến máy giặt. Trong tủ lạnh bác chỉ dùng để cất trữ những thứ đồ ăn cần bảo quản lạnh và luôn mở ở nhiệt độ đủ lạnh, còn những thức ăn không cần bảo quản lạnh và thường xuyên dùng trong ngày thì bác để thoáng bên ngoài, hạn chế viện mở tủ lạnh liên tục gây hao điện. Vào giờ cao điểm bác nơi nào cần đèn chiếu sáng thì bác mới mở lên, xuống nhà dưới thí tắt điện nhà trên và ngược lại. Bác trai mỗi khi cần đọc sách báo thường tìm đến những nơi có ánh sáng mặt trời soi vào, bác kê bàn bên cửa sổ để đọc sách vừa tiết kiệm sử dụng đèn điện, vừa hưởng được nguồn không khí trong lành. Đêm tối khi cần ánh sáng để làm việc, viết lách… thì bác dùng cây đèn để bàn nhưng đã gỡ bỏ bóng đèn tròn sợi đốt và thay vào đó là bóng đèn compact nhỏ tiết kiệm điện…”.Bác còn nói: “Gia đình mình là gia đình Đảng viên, vì vậy phải làm gương “Sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hố Chí Minh”, mỗi gia đình tiết kiệm một chút thì đất nước mình mới giàu và mạnh được…”. Khoảng chi phí mà gia đình bác dành cho việc trả tiền điện mỗi tháng không vượt quá 100.000 đồng. Đó là những gì mà gia đình bác Tô Văn Huệ đã thực hiện trong cuộc “Cách mạng tiết kiệm điện”.

Trở về với thực tại công việc đang làm, tôi không khỏi miên man suy nghĩ về những việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của gia đình bác Huệ: “Chúng ta hãy bắt tay tiết kiệm điện”. Xem ra câu nói này của bác đã mang đến một ý nghĩa rất lớn. Thật vậy, “tiết kiệm điện hay tiết kiệm tiền” là một đề tài muôn thủơ, vào thời đại nào, dù cuộc sống ra sao, dù nghèo hay giàu thì mỗi chúng ta ai cũng cần đặt ra cho mình một mục tiêu “Tiết kiệm là quốc sách”. Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn biết bao khi con người biết sống với nhau bằng những mục tiêu cao đẹp ấy. Thế mà thực tế nhiều khi ngược lại, phải chăng do áp lực của cuộc sống hối hả, của những vất vả để tranh thủ kiếm tiền… đã làm cho bản thân mỗi người chúng ta quên đi phần nào trách nhiệm. Hãy vì một ngày mai tươi sáng, vì đất nước phồn vinh, không còn những nơi thiếu điện, không có những em học sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa phải ngồi học dưới ánh sáng mờ của những ngọn đèn dầu, cây đuốc…

Tôi mong rằng, qua bài viết của tôi sẽ gửi đến mọi người tấm gương gia đình tiết kiệm điện. Hình ảnh cao đẹp ấy sẽ lan tỏa khắp các gia đình Việt Nam, để mọi người dân có những suy nghĩ và hành động thiết thực để tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Hãy bảo vệ “Ngôi nhà chung” các bạn nhé…

Theo ninhthuantourist.com.vn