Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:27 GMT+7

Chuyển đổi lò đốt than truyền thống sang lò đốt gas tiết kiệm năng lượng

18/02/2015

Sáng ngày 10-2, Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng đã phối hợp với UBND xã Kim Lan, Hà Nội tổ chức Hội thảo Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh.

Sáng ngày 10-2, Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Kim Lan, Hà Nội tổ chức Hội thảo Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh.

Tham dự hội thảo có đại diện Hiệp hội gốm sứ Kim Lan, đại diện các Ngân hàng trên địa bàn, cán bộ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) và đông đảo các chủ doanh nghiệp và chủ hộ sản xuất.

Tại hội thảo, ông Jakob Jespersen, Tư vấn trưởng của dự án đã chia sẻ và lắng nghe những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất gốm Kim Lan. Đặc biệt là những khó khăn về nguồn vốn và kỹ thuật để chuyển đổi từ lò đốt than truyền thống sang lò đốt gas.

Ông Jakob Jespersen, Tư vấn trưởng của dự án

Ông Reddy Amanarth, Cố vấn cao cấp của dự án đã giới thiệu về Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) của LCEE. Với quỹ đầu tư 110 tỷ đồng từ Chính phủ Đan Mạch, GIF không cung cấp vốn vay trực tiếp mà hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua bão lãnh ngân hàng và trả thưởng.

Theo đó, doanh nghiệp có thể nhận được mức trả thưởng lên tới 30% giá trị khoản vay, nếu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí CO2 ở mức 50%. Để được vay vốn trực tiếp từ các ngân hàng là đối tác của dự án, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí như: dưới 300 lao động, có mục tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2, vay vốn tối thiểu 400 triệu đồng…

 

 

Ông Reddy Amanarth, Cố vấn cao cấp của dự án

Khi tham gia vào dự án, doanh nghiệp cần xác định rõ lợi ích được hỗ trợ từ dự án, cũng như những chi phí đầu tư cần bỏ ra. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần đánh giá năng lực và khả năng chuyển đổi từ mô hình sản xuất bằng lò than truyền thống sang lò gas.

Xuyên suốt hội thảo, các câu hỏi từ phía doanh nghiệp liên quan đến cơ chế tài chính và hỗ trợ kỹ thuật đều được giải đáp rõ ràng. Kết thúc chương trình, cán bộ dự án đã tư vấn, hướng dẫn người dân hoàn thành mẫu đơn đăng ký vay vốn từ cơ chế tài chính của dự án.

Một hộ sản xuất ở Kim Lan đã chuyển đổi sang mô hình lò gas tiết kiệm năng lượng

Ông Phạm Đình Nguyên – Chủ hộ sản xuất ở Kim Lan chia sẻ: “Trồng lò đốt than rất vất vả, độc hại cho sức khỏe của người lao động và môi trường. Sử dụng lò gas, việc sản xuất sạch sẽ hơn, chuyển đổi mặt hàng nhanh hơn, hiệu quả của mẻ sản phẩm cao và rủi ro thấp. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khi chuyển đổi vẫn là vốn vay. Vì vậy, sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của dự án LCEE là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”.

Sau vòng Hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ tiêu chí xét duyệt của dự án, sẽ được chuyên gia dự án tiến hành Thẩm định tiền dự án, nhằm thẩm định các nội dung kinh tế và kỹ thuật được đề xuất. Sau đó, doanh nghiệp sẽ được vay ngân hàng và nhận bảo lãnh tín dụng để tiến hành các hoạt động đầu tư, chuyển đổi từ lò đốt than sang lò đốt gas.

Hải Nhy