Thứ năm, 18/04/2024 | 08:06 GMT+7

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành Giao thông vận tải

07/01/2015

Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị vận tải hành khách công cộng.

Với mục tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng cho ngành giao thông vận tải từ 1 - 3%, năm 2014, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các đơn vị vận tải hành khách công cộng, cụ thể là trên tuyến xe buýt 53 và 62 - những tuyến buýt có lưu lượng hành khách lớn và sử dụng nhiều nhiên liệu.

Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc ECC Hà Nội cho biết, mục tiêu của ECC Hà Nội là góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý năng lượng, kỹ thuật, công nhân vận hành tự xây dựng suất tiêu hao năng lượng theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, giảm mức tiêu hao năng lượng từ 1-3%, để sau khoảng 5 năm nữa, suất tiêu hao năng lượng của các doanh nghiệp vận tải công cộng trong nước có thể tiến gần với các nước trong khu vực.

0bf89c39a_xebuyt1_1.jpg

Nếu 100% tuyến xe buýt áp dụng hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp vận tải công cộng 
sẽ tiết kiệm được nguồn chi phí năng lượng rất lớn 

Sau quá trình nghiên cứu lộ trình, lượng hành khách, cấu tạo và mức tiêu hao năng lượng của hai tuyến xe buýt 52 và 63, ECC Hà Nội đã xây dựng thí điểm định mức kinh tế kỹ thuật tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải cho 2 tuyến xe buýt này.

Đặc biệt, Trung tâm đã hỗ trợ tư vấn 14 giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả như: Áp dụng hệ thống ISO vào sản xuất và thành lập Ban quản lý năng lượng; sơn nano cho vỏ xe và dán phim cách nhiệt cho kính, nhằm giảm nhiệt độ của ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào xe, giúp tiết kiệm nhiên liệu cho hệ thống điều hòa; nghiên cứu chuyển đổi xe buýt từ sử dụng dầu diezel sang dùng khí hóa lỏng LPG; cải tiến kết cấu động cơ đốt trong, nhằm kiểm soát lượng nhiên liệu tiêu thụ…

Cùng với đó, Trung tâm cũng hỗ trợ các đơn vị rà soát lịch trình xe buýt, tổ chức lại các tuyến xe hợp lý, khoa học nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại, tiết kiệm chi phí vận hành; rà soát thời gian sử dụng của phương tiện giao thông vận tải và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không đảm bảo mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành; lên kế hoạch thực hiện chế độ bảo dưỡng đúng định kì cho các phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng…

Theo ECC Hà Nội, nếu áp dụng hiệu quả các giải pháp này, sẽ giúp các tuyến buýt tiết kiệm khoảng 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm chi phí về năng lượng; thời gian thu hồi vốn từ 1-6 năm, tùy từng giải pháp và từng tuyến xe buýt.

Tính đến cuối năm 2013, Hà Nội có 1.242 xe buýt, 4 công ty vận tải hành khách, phục vụ trên 10 ngàn lượt xe và trên 1,1 triệu hành khách mỗi ngày. Nếu các giải pháp tiết kiệm năng lượng được ứng dụng hiệu quả, hàng năm, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí về năng lượng, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường.

Năm 2014, bên cạnh việc nghiên cứu, hỗ trợ, tư vấn các giải pháp nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành Giao thông vận tải, ECC Hà Nội cũng đã đi sâu vào các hoạt động kiểm toán năng lượng, hỗ trợ các tòa nhà, các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, ECC Hà Nội hỗ trợ tư vấn 72 giải pháp tiết kiệm năng lượng cho 17 doanh nghiệp ở các khu, cụm điểm công nghiệp; hỗ trợ 59 giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho 11 toà nhà; đánh giá 15 đơn vị thực hiện quản lý năng lượng trong công nghiệp và toà nhà với 150 dự án tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức thành công Hội chợ ENTECH HANOI đã chuyển giao công nghệ lên đến 9,5 triệu USD giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị có hiệu suất cao về năng lượng...

Theo EVN