Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:31 GMT+7

Công bố Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam

31/07/2017

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đặng Huy Cường đã thay mặt Bộ Công Thương công bố quy hoạch này. 

Theo ông Đặng Huy Cường, quy hoạch nhằm thực hiện các mục tiêu về lĩnh vực công nghiệp khí trong Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 gắn liền với chiến lược và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu sạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

 

Trong quy hoạch này, Chính phủ khẳng định nền công nghiệp khí Việt Nam sẽ được tập trung đầu tư để hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu, từ khai thác-thu gom-vận chuyển-chế biến-dự trữ-phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí; đảm bảo thu gom 100% sản lượng khí của các lô/mỏ mà PVN và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam. 

Với nguyên tắc phát triển đồng bộ và hiệu quả, ngành công nghiệp khí sẽ phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước, triển khai nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) song song với việc thu gom các nguồn khí mới trong nước để bổ sung cho các nguồn khí đang suy giảm, duy trì khả năng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ. 

Đặc biệt, quy hoạch cũng định hướng cho việc phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu. 

Ngoài ra, quy hoạch cũng nhấn mạnh việc phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, khuyến khích các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào chuỗi giá trị khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước và thực hiện chính sách phát triển bền vững./.

Theo vinaet