Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:07 GMT+7

Kết nối với các nước để phát triển hạ tầng năng lượng

19/09/2016

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân đạt mốc 10.700 MW, VN cần kết nối với các nước để phát triển hạ tầng năng lượng.

Mới đây, vào ngày 6/9/2016, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 1734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực". Quyết định đã nhấn mạnh đến chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.

Thủ tướng yêu cầu cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng năng lượng trong nước. Thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện theo Quy hoạch điện lực quốc gia, ưu tiên các nhà máy có công suất từ 1.000 MW trở lên, phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền Bắc, Trung, Nam. Ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió, nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện.

Đặc biệt, tập trung phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II; mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân đạt mốc 10.700 MW.

Trong đó, Việt Nam cần kết nối với các nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia…. đến năm 2020 để phát triển hạ tầng năng lượng.

Cụ thể, kết nối với Trung Quốc, Việt Nam không xây dựng đường dây 50kV để nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Xem xét tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc bằng đường dây 220kV và 110kV hiện hữu qua các trạm tại Lào Cai và Hà Giang. Trong đó, nghiên cứu giải pháp hòa không đồng bộ, không tách lưới giữa 2 hệ thống điện (Việt Nam và Trung Quốc) thông qua sử dụng trạm chuyển đổi một chiều – xoay chiều.

Kết nối với Lào, Việt Nam tăng cường hợp tác với Lào để đầu tư xây dựng thủy điện và nhập khẩu điện về Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu khoảng 850 MW từ cụm nhà máy thủy điện XêKaman – Xê Kông bằng cấp điện áp 220 kV, từ XêKaman 1 về Plaiku 2 (vào các năm 2016 – 2017), từ các nhà máy thủy điện phía trung Lào như cụm thủy điện Nậm Sum 290 MW, Nậm Theun 400 MW.

Đồng thời nghiên cứu các giải pháp hòa mạng không đồng bộ giữa 2 hệ thống điện Việt Nam và Lào.

 

Hình ảnh lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng).  

Kết nối với Campuchia: Việt Nam cần tập trung nghiên cứu vấn đề vận hành tách lưới không đồng bộ giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Đối với chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng trong nước, Việt Nam cần “phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực”.

Theo vietq.vn