Thứ năm, 18/04/2024 | 09:24 GMT+7

Hinkley, Anh tiết kiệm hàng chục tỷ bảng nhờ dự án năng lượng tái tạo

11/04/2016

Đầu tư vào năng lượng tái tạo, Anh không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau.

Một phân tích mới đây cho biết việc loại bỏ các kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Hinkley Point, Somerset, Anh và thay thế bằng dự án năng lượng tái tạo có thể giúp Anh tiết kiệm được hàng chục tỷ £. 

Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C là nhà máy tốn kém nhiều chi phí nhất trên thế giới 

Tổ chức The Intergenerational Foundation cho biết nếu đầu tư vào năng lượng tái tạo thay thế cho nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley, Anh có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ bảng £ mà vẫn sản xuất ra được lượng điện năng tương đương với lượng điện năng mà nhà máy Hinkley tạo ra được trong suốt vòng đời của mình. 

Quyết định đầu tư cuối cùng vào việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân của công ty EDF sẽ được đưa ra vào tháng Năm. Chính phủ đã cam kết trả giá 92.50 £ cho mỗi đơn vị mega watt điện/giờ mà nhà máy điện hạt nhân này cung cấp được trong 35 năm, hơn gấp hai lần so với giá bán sỉ điện hiện nay.

Nhưng một báo cáo mới được tổ chức The Intergenerational Foundation đưa ra vào ngày 05 tháng 04 vừa qua cho biết so với việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley, việc xây dựng và vận hành nông trại gió gần bờ sẽ tiết kiệm được 31.2 tỷ £ và việc đầu tư vào sản xuất điện từ quang điện năng sẽ cắt giảm được 39.9 tỷ £. 

Ông Andrew Simms, một trong các tác giả của bản báo cáo trên cho biết: "Những kế hoạch hiện nay của chính phủ Anh đầu tư vào năng lượng hạt nhân sẽ khiến Anh phá vỡ kỷ lục chi tiêu và để lại nhiều rủi ro về kinh tế cho những thế hệ sau này.

Ngược lại, đầu tư vào năng lượng tái tạo, Anh không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau".

Bản báo cáo của tổ chức The Intergenerational Foundation cho biết, với chi phí 24 tỷ £, nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C là nhà máy tốn kém nhiều chi phí nhất trên thế giới và việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân không chỉ để lại gánh nặng kinh tế cho thế hệ tương lai mà còn để lại nhiều hiểm họa về năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu. 

"Việc quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để sản xuất ra điện năng vừa tốn kém nhiều chi phí, vừa thiếu an toàn. Nếu chính phủ không cân nhắc lại việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân, họ sẽ để lại nhiều gánh nặng cả về kinh tế và hiểm họa". 

Ông Tom Burke, chủ tịch tổ chức vì môi trường E3G, cựu cố vấn của chính phủ Anh cũng cho biết: "Chính phủ Anh đang đẩy chi phí tiêu tốn vào năng lượng hạt nhân cho thế hệ mai sau. Thật khủng khiếp khi họ có thể làm điều này với những đứa trẻ. Sẽ có rất nhiều đứa trẻ không được sinh ra vì gánh nặng này". 

Năng lượng tái tạo đã rất phát triển ở Anh, trong đó, các nguồn năng lượng như sinh khối, năng lượng gió, năng lượng hydro và năng lượng mặt trời đã sản xuất ra lượng điện năng lớn hơn so với năng lượng hat nhân. Nhưng bản báo cáo của tổ chức The Intergenerational Foundation không thể làm thay đổi quyết định của chính phủ Anh. Họ thậm chí còn cắt bỏ trợ cấp cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đồng thời tiếp tục triển khai dự án năng lượng hạt nhân ở Hinkley. 

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh cho biết: "Năng lượng hạt nhân có thể sản xuất điện liên tục, dù gió có thổi và mặt trời có chiếu sáng hay không. Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đồng nghĩa với việc đem lại sự đảm bảo về tài chính cho người lao động và gia đình trên khắp nước Anh". 

"Chúng tôi không tin tưởng vào những số liệu trong bản báo cáo mà tổ chức The Intergenerational Foundation đưa ra. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C là một dự án tuyệt vời. Một khi đi vào hoạt động, nhà máy này có thể cung cấp điện năng an toàn, carbon thấp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời góp phần giúp Anh đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon". 

Ngọc Diệp (Theo Edie.net)