Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:06 GMT+7

Ninh Thuận hút nhiều vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo

28/03/2015

Tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án điện gió có quy mô vốn đến 3.780 tỉ đồng, và đồng ý về nguyên tắc một dự án điện mặt trời trị giá đến 40.000 tỉ đồng.

Tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án điện gió có quy mô vốn đến 3.780 tỉ đồng, và đồng ý về nguyên tắc một dự án điện mặt trời trị giá đến 40.000 tỉ đồng.

 

Các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Ninh Thuận tại Hội nghị .

Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại TPHCM ngày 25-3, Ninh Thuận đã cấp phép cho dự án xây dựng nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ được thực hiện tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc với vốn đăng ký lên đến 3.780 tỉ đồng.

Theo kế hoạch nhà đầu tư sẽ triển khai khởi công nhà máy vào tháng 6 tới và hoàn thành cả hai giai đoạn vào năm 2018 cho công suất phát điện 90MW.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cũng "bật đèn xanh" cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân tiến hành dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời trên khu đất đến 600 héc ta tại ba huyện gồm Ninh Phước, Bác Ái và Ninh Sơn. Với công suất thiết kế lên đến 300 MW, nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư dự án này với số vốn là 40.000 tỉ đồng. Hiện dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đồng ý về chủ trương đầu tư, và nhà đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm của tỉnh là đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW, đồng thời phát triển các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch, với quy mô 2.600 MW.

Đối với năng lượng gió, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, lý tưởng để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/giây, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, không kể các dự án mới cam kết tại Hội nghị, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện gió với tổng công suất 654MW, tổng vốn đăng ký là 24.804 tỉ đồng. Trong số này có ba dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư EAB và Vend Wind (Đức), Enfinity (Bỉ), và đã chấp thuận địa điểm cho 7 dự án khác với tổng công suất 431,4 MW.

Tuy nhiên việc triển khai đầu tư các dự án điện gió còn chậm do nhiều nhà đầu tư chờ đợi chính sách được tăng thêm giá mua điện gió nối lưới bởi theo họ giá điện gió hiện nay thấp không đủ bù vốn đầu tư.

Đối với năng lượng mặt trời, Ninh Thuận có số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ ánh sáng lớn, lượng bức xạ mặt trời trên 230 kcal/cm2, trở thành địa bàn tốt phát triển năng lượng mặt trời.

Đến nay, tỉnh cũng đã có chủ trương đồng ý cho liên doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Terra Wood và Công ty Belectric Solar (Đức) triển khai thí điểm dự án điện mặt trời tại huyện Ninh Hải, có công suất khoảng 3 MW với vốn đầu tư khoảng 7 triệu đô la Mỹ.

Theo Thời báo KT Sài Gòn