[In trang]
Thiết bị di động sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời
Thứ bảy, 14/03/2020 - 09:09
Công ty khởi nghiệp ở bang Indiana (Hoa Kỳ) là JUA Technologies International đã chế tạo thành công thiết bị sấy khô nông sản bằng năng lượng mặt trời.

Công ty khởi nghiệp ở bang Indiana (Hoa Kỳ) là JUA Technologies International đã chế tạo thành công thiết bị sấy khô nông sản bằng năng lượng mặt trời.

Nhà khoa học Klein Ileleji bên Dehytray - thiết bị di động sấy khô bằng năng lượng mặt trời. Nguồn ảnh: Smithsonianmag.com

Ông Klein Ileleji, Giám đốc Công ty, đồng thời cũng là nhà khoa học nông nghiệp Đại học Purdue (Hoa Kỳ) cho biết, ông đã phát minh hai công nghệ sấy khô nhanh nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đầu tiên là khay khử nước trong nông sản. Màng bảo vệ của chiếc khay có khả năng hội tụ năng lượng mặt trời (NLMT) giúp sấy khô nhanh hơn, có tên gọi là Dehytray. Tiếp theo là Dehymeleon - Máy sấy bằng NLMT có thể sấy được 10 khay Dehytray. Chiếc máy này còn có khả năng lưu trữ năng lượng, làm máy phát điện ban đêm.

Các khay có độ dài gần 1m, đa dạng về màu sắc, dễ lắp ráp, dễ di chuyển, có thể được đặt dưới ánh nắng mặt trời với lớp màng bảo vệ hoặc xếp chồng lên nhau. Nông dân có thể sử dụng thiết bị này để sấy khô bất kỳ loại thực phẩm nào, từ các loại ngũ cốc đến trái cây, hạt giống... Nhờ sự hội tụ của ánh sáng mặt trời, các khay chứa nông sản sẽ khô rất nhanh so với việc phơi đơn thuần dưới trời nắng.

Ông Ileleji cho biết, ý tưởng chế tạo sản phẩm này xuất hiện vào năm 2010, khi ông đang thực hiện một dự án ở Ghana - một quốc gia nghèo ở Tây Phi. Ông chia sẻ: “Lúc ấy chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát về những khó khăn của người nông dân châu Phi trong việc chế biến và lưu trữ lương thực, thực phẩm. Chúng tôi nhận thấy, do ngũ cốc không được sấy khô đúng cách, nên xuất hiện độc tố vi nấm aflatoxin”. Vi nấm này tuy hàm lượng độc tố thấp, nhưng nếu ăn thường xuyên, có thể dẫn đến bệnh ung thư và các bệnh khác.

Giáo sư Gretchen Mosher, Trường Đại học Iowa (Hoa Kỳ) cho rằng, các thiết bị sấy khô hiện tại đều sử dụng điện. Tuy nhiên, người dân ở nhiều khu vực nghèo đói, khí hậu khắc nghiệt, vẫn còn thiếu điện sinh hoạt sẽ không thể sử dụng thiết bị đó. Vì vậy, bộ sản phẩm do ông Ileleji chế tạo đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân khu vực không có điện lưới.

Dehytray đã nhận được giải thưởng dành cho sản phẩm đột phá của Hiệp hội Kỹ sư sinh học và nông nghiệp Hoa Kỳ năm 2019. Sản phẩm cũng vào đến chung kết dành cho hạng mục “Ý tưởng thay đổi thế giới 2019” của Tạp chí Fast Company. Hiện, sản phẩm hiện đã được bán tại các quốc gia thuộc Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore và Australia với giá 125 USD. Mục tiêu hướng tới của ông Ileleji là tiếp tục phát triển sản phẩm, ứng dụng các công nghệ và vật liệu mới nhằm tăng năng suất, giảm giá thành. Đặc biệt, ông Ileleji đang tích cực tìm nhà phân phối sản phẩm này tới các nước châu Phi.

 

Theo: TCĐL chuyên đề Thế giới điện