[In trang]
Cụ thể hóa cơ chế, chính sách để phát triển điện từ rác
Thứ hai, 24/02/2020 - 08:35
Phát triển công nghệ điện rác, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường là mục tiêu đặt ra tại một số địa phương khi thu hút tư nhân tham gia vào quá trình xử lý rác.

Phát triển công nghệ điện rác, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường là mục tiêu đặt ra tại một số địa phương khi thu hút tư nhân tham gia vào quá trình xử lý rác.

Tuy nhiên, việc hình thành các nhà máy điện rác tại Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị đang tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác tại Việt Nam.

Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar tại Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) do PECC1 thiết kế, đã khởi công ngày 28-8-2019

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng rác thải có thể sản xuất thành điện ở Việt Nam?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày có khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn, riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra 7.000-8.000 tấn rác. Lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống. Khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó còn nhiều bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra. Công tác vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn do các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Với lượng rác thải trên, tiềm năng rác thải có thể sản xuất thành điện ở Việt Nam là rất lớn. Việc chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, như cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường.

PV: Theo ông, đâu là những ưu điểm nổi bật của công nghệ điện rác?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Hiện nay, trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp... Các dự án PECC1 đã thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật bao gồm: Điện rác Sóc Sơn, điện rác Phú Thọ, điện rác VIETSTAR, điện rác Thanh Hóa, điện rác Thái Bình, điện rác Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế Thái Nguyên.

PV: Việc phát triển nhà máy điện từ rác mang lại nhiều lợi ích, song cần làm gì để bảo đảm môi trường khi nhà máy hoạt động, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Thực tế các dự án điện rác PECC1 đã lập thì bên trong các dự án này đều có bể chứa rác (hầm chứa rác) có thể lưu chứa rác trong khoảng 8-10 ngày. Thêm nữa, bể rác được thiết kế khép kín, có chức năng chống rò rỉ, chống ăn mòn, để giữ các loại rác có mùi hôi bên trong không thể ra bên ngoài và luôn được duy trì ở trạng thái áp suất âm.

Có điểm đáng lưu ý, quá trình cháy của rác trong buồng đốt sẽ sinh ra các chất khí thải ô nhiễm môi trường mà thành phần chính là bụi, axit, dioxin, kim loại nặng. Các thành phần này sẽ bay theo khói mà nếu thải ra ngoài môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vì thế, PECC1 đã có công nghệ xử lý khói, lượng khói này phải đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn về môi trường trước khi được thải ra ngoài.

PV: Hiện đâu là những khó khăn mà đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai các dự án điện rác?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Cùng với đó, tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện. Hiện nay, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ. Cũng liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác tại quyết định trên, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 đến 2 năm. Việc chậm triển khai còn do vướng các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành Trung ương, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...

PV: Vậy đâu là những giải pháp tạo đà cho nguồn năng lượng mới này phát triển, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Để gỡ khó cho doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn mới góp phần hình thành một ngành môi trường mới ở Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân