[In trang]
Bảo đảm cấp điện mùa nắng nóng
Thứ năm, 11/05/2017 - 08:32
Năm 2017, miền bắc nói riêng và trên cả nước vẫn có xu hướng thiếu mưa, xuất hiện tình trạng khô hạn và thiếu nước, nền nhiệt độ tăng cao vào mùa khô.

Năm 2017, miền bắc nói riêng và trên cả nước vẫn có xu hướng thiếu mưa, xuất hiện tình trạng khô hạn và thiếu nước, nền nhiệt độ tăng cao vào mùa khô. lường trước vấn đề này, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đề ra các giải pháp thiết thực, nỗ lực phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Bảo đảm ổn định lưới điện cao thế

Ngay từ đầu năm 2017, EVNNPC đã chỉ đạo các đơn vị hoàn tất kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô vì đây là mùa có nhu cầu sử dụng điện năng cao nhất trong năm. Để chủ động cho việc bảo đảm cung cấp điện mùa khô, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Hồ Mạnh Tuấn cho biết: EVNNPC đã giao các danh mục đầu tư công trình chống quá tải năm 2017 ngay từ rất sớm để các đơn vị thành viên trên địa bàn 27 tỉnh triển khai thi công công trình; yêu cầu tất cả các đơn vị hoàn thành các công trình trước mùa nắng nóng; tập trung cao độ nhân lực, vật lực để giảm sự cố mất điện và đóng điện trở lại nhanh nhất cho phụ tải trong mùa nắng nóng khi có sự cố xảy ra; tiếp tục triển khai các công trình cải tạo lưới điện theo kế hoạch nhằm tăng khả năng cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải và thường xuyên theo dõi sát tình hình phụ tải, bảo đảm thực hiện tốt các phương án cung cấp điện cho mùa khô.

Là đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm vận hành lưới điện cao áp của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) đang quản lý vận hành lưới điện với khối lượng 7.112km ĐZ 110kV; 178 TBA 110kV với 308 máy biến áp (MBA) 110kV, một trạm cắt và hai TBA 220kV với ba MBA 220kV. Giám đốc NGC Nguyễn Phúc Thịnh cho biết, những năm qua, công ty luôn bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương khu vực miền bắc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được EVNNPC giao. Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được công ty nghiên cứu, triển khai thực hiện trên lưới, phối hợp cùng Viện Điện (Trường đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện đề tài “Giảm sự cố do quá điện áp khí quyển trên lưới điện 110kV”. Từ tháng 7 đến tháng 10-2016, công ty hoàn thành cải tạo hệ thống nối đất cho 6/7 ĐZ 110kV khu vực Quảng Ninh; mua sắm, lắp đặt chống sét van (CSV) cho 7/7 ĐZ 110kV khu vực Quảng Ninh, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, qua đó giảm mạnh số lượng các sự cố do sét (66%) so năm 2015.

Công tác thí nghiệm định kỳ các TBA 110kV, 220kV cũng được công ty chú trọng tổ chức thực hiện hằng năm nhằm phát hiện các thiết bị suy giảm chất lượng, không bảo đảm tiêu chuẩn vận hành để kịp thời khắc phục nhằm ngăn ngừa sự cố, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Hằng năm, công ty đã tổ chức lập kế hoạch và triển khai các chương trình giảm thấp nhất sự cố, giảm tổn thất điện năng với các nội dung chính như: nâng cao chất lượng trong công tác quản lý kỹ thuật ĐZ và TBA, chống quá tải ĐZ và TBA 110kV, kế hoạch sửa chữa, cải tạo, đầu tư lưới điện tiến tới bảo đảm tiêu chí có dự phòng (N-1), hoàn thiện sơ đồ lưới điện 110kV, trình lắp đặt tụ bù trên lưới để tăng độ ổn định điện áp, giảm tổn thất điện năng do hệ số công suất thấp… Năm 2016, công ty đã hoàn thành các công trình trọng điểm, kịp thời phục vụ chống quá tải lưới điện gồm: lắp đặt 129 MVAr tụ bù cho 17 TBA 110kV; hoàn thiện sơ đồ vận hành 29 TBA; triển khai hoàn thành đóng điện cho 11 dự án nâng công suất, chống quá tải; dự án Chuyển đấu nối chữ T thành chuyển tiếp trên các ĐZ 110kV; thay dây AC300 bằng dây ACCC367 để nâng cao năng lực truyền tải ĐZ 110kV mạch kép Sài Đồng - Giai Phạm và các nhánh rẽ TBA 110kV Giai Phạm, Lạc Đạo… Nhờ đó, suất sự cố lưới điện 110kV, tỷ lệ tổn thất điện năng qua các năm liên tục giảm. Cụ thể, năm 2016, suất sự cố kéo dài giảm 28,14%, suất sự cố thoáng qua giảm 31,68%, suất sự cố trạm giảm 17,74%, tổn thất điện năng giảm 0,07% (tương đương 33,6 triệu kW giờ) so năm 2015.

Năm 2017, để hoàn thành nhiệm vụ với khối lượng tài sản ĐZ, TBA dự kiến tăng khoảng 5%, sản lượng điện truyền tải tăng 14%, suất sự cố giảm khoảng 10%, tổn thất điện năng giảm 0,03%. Công ty nỗ lực thực hiện các giải pháp chủ yếu: bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị trong quá trình quản lý vận hành, sửa chữa, thí nghiệm, vận hành lưới điện 110kV an toàn, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho các khách hàng. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thực hiện chủ đề năm 2017 của EVN là "Đẩy mạnh khoa học - công nghệ". Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt tình hình sự cố, sẵn sàng ứng phó các diễn biến bất thường của thời tiết. Triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tiếp tục triển khai Đề án Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực giai đoạn 2016 - 2020. Kiểm soát tổn thất điện năng về chỉ tiêu kỹ thuật, quản lý tốt các điểm đo đếm, tiết kiệm điện tự dùng tại các TBA 110kV. Ngay từ những tháng đầu năm 2017, công ty đã phối hợp cùng các đơn vị trong EVNNPC hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, nhất là các dự án tại khu vực Bắc Ninh cấp điện cho tổ hợp Samsung Việt Nam như: nâng cao năng lực truyền tải ĐZ 110kV Bắc Ninh - Đông Anh và nhánh rẽ Tiên Sơn; TBA 110kV Yên Phong 5.

Công nhân Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc thay thế máy biến áp để nâng công suất Trạm biến áp 110 kV Việt Trì (Phú Thọ).

Nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng

Các Công ty Điện lực (CTĐL) thuộc EVNNPC cũng đang hết sức khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm cấp điện mùa nắng nóng. Phó Giám đốc CTĐL Nam Định Đỗ Văn Thiện chia sẻ: Để bảo đảm cung cấp điện mùa nắng nóng năm 2017, công ty triển khai 20 công trình chống quá tải; trong đó, xây dựng mới 50 TBA phân phối, 61,7km ĐZ trung thế và 70,4 km ĐZ hạ thế. Đến ngày 31-3, công ty đã đóng điện đưa vào khai thác vận hành 15 TBA, dự kiến đóng hết 35 TBA còn lại trước ngày 30-4 để hoàn thành đúng kế hoạch EVNNPC giao. CTĐL Nam Định phấn đấu bảo đảm trong mùa khô năm 2017 không có TBA, ĐZ trung thế, hạ thế nào bị quá tải, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Để tạo thuận lợi cho khách hàng trong mùa nắng nóng, công ty giảm thấp nhất việc ngừng cấp điện do sự cố bất khả kháng, giảm thấp nhất cắt điện để đại tu sửa chữa lưới điện. Tính đến nay, công ty đã hoàn thành duy tu, sửa chữa hơn 48,1km ĐZ trung áp, thay thế và sửa chữa hơn 60,8km ĐZ hạ áp, thay hơn 1.000 hòm đồng hồ đo điện cũ hỏng… với tổng vốn đầu tư hơn 50,4 tỷ đồng.

Một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm cung cấp điện mùa nắng nóng mà EVNNPC thực hiện là về công tác dịch vụ khách hàng và tuyên truyền tiết kiệm điện. CTĐL Nam Định tổ chức tốt hoạt động của 11 Phòng Giao dịch khách hàng; phối hợp Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNNPC giải quyết kịp thời mọi yêu cầu, tiếp thu phản ánh của khách hàng. Đơn vị cũng bố trí lực lượng sửa chữa ứng trực 24/24 giờ để kịp thời giải quyết, xử lý mọi sự cố. Trong khi đó, Giám đốc CTĐL Thanh Hóa Trịnh Xuân Như cho biết: Những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có sức hút đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, đơn vị luôn phải bảo đảm đủ điện cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và các địa điểm du lịch trong mùa nắng nóng. Để tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, chống quá tải và đáp ứng mức tăng trưởng phụ tải của các khu vực trên địa bàn, công ty đã chỉ đạo các đơn vị chủ động liên hệ với cơ quan chức năng địa phương để xác định các khu vực có nhu cầu cấp bách về điện; từ đó, lập phương án cung cấp điện cụ thể, triển khai đến các Điện lực và báo cáo UBND các cấp tại địa phương. Với nhiều phương án cung cấp điện trong mùa nắng nóng, công ty bảo đảm sẽ không thiếu điện và tình hình cấp điện luôn ở mức ổn định. Tuy nhiên, đơn vị cũng mong muốn khách hàng chia sẻ, sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm; chẳng hạn như vào giờ cao điểm nắng nóng, khách hàng cần hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn.

Tùng Bảo