[In trang]
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện trong các cơ quan, công sở
Thứ năm, 21/01/2016 - 09:24
Tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng là vấn đề Quốc sách, phải thực hiện lâu dài trong suốt quá trình tiêu thụ điện, chứ không phải chỉ thực hiện vào lúc thiếu điện.

Việc thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan, công sở là cần thiết. Giải pháp tiết kiệm điện phải vừa đảm bảo tiết kiệm điện có hiệu quả, lại vừa đảm bảo môi trường làm việc có hiệu quả của CBCNV trong cơ quan, công sở, các bước tiến hành như sau:

 1. Khi tiến hành tiết kiệm điện việc đầu tiên là phải tổ chức kiểm tra khảo sát nắm tình hình sử dụng điện trong toàn cơ quan hiện nay:

- Việc bố trí các trang thiết bị điện: đèn, quạt, vi tính, điều hoà nhiệt độ...đã hợp lý theo các tiêu chuẩn của đơn vị công tác chưa.

- Việc tận dụng ánh sáng và không khí mát tự nhiên.

- Việc sử dụng các trang thiết bị điện (đèn, quạt, điều hoà nhiệt độ, máy photocopy, máy in, máy vi tính v.v...) của cán bộ trong cơ quan.

- Tình trạng mạng lưới điện trong toàn cơ quan: đoạn dây nào quá tải, đoạn dây nào cũ nát dò điện, các mối nối, tiếp xúc cầu dao, cầu dao xấu phát nóng gây tổn thất điện, để thay, để sửa.

 2. Đánh giá tình hình sử dụng điện qua kiểm tra và đề ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện:

- Mở rộng hoặc mở thêm các cửa sổ và lắp kính kể cả trần (nếu có thể) để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

- Thay tất cả các bóng đèn tròn sợi đốt (nếu có) bằng đèn compact hoặc đèn ống huỳnh quang (gầy) để tiết kiệm điện.

 - Thay bóng đèn ống neon thế hệ cũ 40W, 20W bằng bóng đèn ống neon thế hệ mới 36W, 18W và thay chấn lưu sắt từ bằng chấn lưu điện tử để tiết kiệm điện.

- Lắp máng, chao chụp ở các đèn còn thiếu để tăng độ phản chiếu ánh sáng và điều chỉnh lắp đèn ở độ cao thích hợp để có độ phản chiếu ánh sáng cao. Thực hiện mỗi đèn một công tắc đóng, mở.

a. Việc sử dụng máy điều hoà nhiệt độ (ĐHNĐ):

Vào mùa hè, điện năng dùng cho ĐHNĐ là phụ tải chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng phụ tải của khu vực hành chính sự nghiệp (ước khoảng 70 - 80%). Cán bộ văn phòng của chúng ta vẫn có thói quen khi bật ĐHNĐ thì tắt quạt. Đây là một sự lãng phí khá lớn về điện năng. Như đã biết, hiện tượng tản nhiệt bề mặt phần lớn quyết định bởi hệ số tản thiệt. Nếu không khí đứng yên, hệ số này rất nhỏ, nhưng nếu không khí chuyển động (quạt chạy), hệ số này sẽ khá lớn. Vì hệ số tản thiệt lớn nên dù đặt nhiệt độ của máy điều hoà cao hơn, mọi người vẫn cảm thấy mát. Nếu chúng ta quy định về mùa hè tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp khi đều chạy điều hòa phải kèm theo quạt (tốc độ thấp) thì riêng khoản điện năng làm mát có thể tiết kiệm được từ 10 - 15%. Đây là một khoản tiền khá lớn tiết kiệm cho ngân sách, đó là chưa kể số điện năng nói trên còn có thể dùng vào những việc cần thiết khác.

 

Sử dụng ĐHNĐ hợp lý sẽ tiết kiệm chi phí cho cơ quan, công sở

 Máy điều hòa hai chiều cũng phải được sử dụng hợp lý. Năng lượng dùng để sưởi ấm của máy này cũng khá lớn, không kém gì năng lượng làm mát. Về mùa đông ở nước ta nhiệt độ trung bình ban ngày vào khoảng 15˚C, đây là một nhiệt độ không quá thấp đến mức phải dùng máy sưởi trong mùa đông. Đúng ra trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam và trong tình hình thiếu điện hiện nay, tốt nhất nên cấm chạy máy sưởi ấm vào mùa đông. Nếu tất cả cán bộ công nhân viên đều vui lòng thực hiện việc này thì sẽ tiết kiệm thêm được một phần điện năng nữa cho lưới điện vốn còn bất cập của quốc gia.

Để tiết kiệm năng lượng, chúng ta cố gắng không để khí lạnh thất thoát ra ngoài, đồng thời phải tính toán công suất điều hòa đảm bảo đủ được độ lạnh cho phòng (tính toán kinh nghiệm: 1.000 BTU làm mát được 3 – 5 mét khối).

b. Hạn chế hoặc cấm các sử dụng điện ngoài mục đích công tác:

Ở các nước công nghiệp tiên tiến kỷ luật sản xuất là kỷ luật sắt. Trong giờ làm việc cán bộ công nhân không được làm bất cứ việc gì khác ngoài chức năng chính của mình. Ở Việt Nam ta thì không như vậy, trong giờ làm việc vẫn có hiện tượng ngồi tán ngẫu, uống nước chè, mở game v.v... Trong giờ nghỉ trưa có người còn tranh thủ cắm bếp điện tự nấu lấy ăn cho hợp khẩu vị. Tất cả các điều nói trên đều ảnh hưởng đến năng suất lao động và điện năng tiêu thụ. Vì vậy cần chấm dứt ngay tình trạng này.

c. Quy định ngắt điện ổ cắm sau giờ làm việc:

Có hai cách ngắt điện vào thiết bị. Cách thứ nhất là nhấn công tắc, cách thứ hai là rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm. Cách thứ nhất không phải là ngắt điện tuyệt đối vì vẫn còn dòng điện rò chạy qua công tắc. Chỉ có cách thứ hai mới là ngắt điện tuyệt đối mà thôi.

Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp của một đất nước có hàng chục vạn đồ điện dân dụng kiểu như vậy, đó là: máy vi tính, thiết bị truyền tin, máy photocopy, quạt điện, đèn bàn...Nếu tất cả chúng đều được rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm sau giờ làm việc thì sẽ tiết kiệm được một số điện năng đáng kể. Hơn nữa Việt Nam là một nước có khí hậu ẩm ướt, lượng điện năng hao phí do dòng điện rò còn lớn hơn gấp nhiều lên so với các nước có khí hậu khô ráo.

d. Bố trí độ chiếu sáng hợp lý ở các phòng làm việc:

Nếu bố trí chiếu sáng hợp lý, lượng điện năng tiêu thụ của khu vực hành chính sự nghiệp sẽ giảm đi được từ 5 - 10%.

Theo Tổng công ty điện lực Miền Bắc